Để đảm bảo một vụ mùa thật năng suất và hiệu quả thì bà con cần tiến hành ươm cây giống trước khi gieo trồng ngay trên đồng ruộng. Trong bài viết này Bác Sĩ Cây Xanh sẽ hướng dẫn bà con chi tiết kỹ thuật ươm hạt giống ớt - cách trồng ớt bằng hạt.
Chuẩn bị đất ươm cây ớt giống
Để trồng được cây ớt từ hạt cần chuẩn bị các giá thể cần thiết và dụng cụ ươm cây như sau: Khay ươm, hạt giống, giá thể bao gồm: 50% đất, 20% phân trùn quế, 30% xơ dừa và tro trấu.
Lưu ý: Đối với xơ dừa và tro trấu cần được xử lý kỹ càng trước khi ươm cây.
Xử lý đất ươm cây ớt giống
Quy trình xử lý đất ươm cây giống gồm những bước sau:
- Bước 1: Trộn giá thể đã chuẩn bị lại với nhau
Giá thể bao gồm: 50% đất, 20% phân trùn quế, 30% xơ dừa và tro trấu.
- Bước 2: Xử lý giá thể trước khi tiến hành ươm
Sử dụng BS07 - nấm ủ Trichoderma để xử lý bằng cách: Pha 500g BS07 với 200 lít nước, tưới ướt đẫm giá thể ươm, sau đó là có thể ươm hạt. BS07 có tác dụng phân huỷ bã thực vật, ủ phân chuồng, diệt nấm bệnh trong đất, phòng ngừa các bệnh do tuyến trùng gây nên.
Các bước ươm hạt ớt giống
Ươm hạt giống ớt là bước đầu tiên trong kỹ thuật trồng cây ớt từ hạt hiệu quả, cho một vụ mùa bội thu.
Quy trình các bước ươm hạt giống như sau:
 12-04-2022_1_1000.jpeg.webp)
- Bước 1: Xử lý hạt giống - Cách ngâm ủ hạt ớt
Hạt giống mua về tiến hành ngâm vào nước ấm theo tỷ lệ 2 sôi 3 lạnh. Sau khoảng 6-8 tiếng thì lấy hạt giống ra, rửa sạch, rồi chuẩn bị gieo hạt.
- Bước 2: Đổ đất vào khay ươm
Sử dụng loại khay 50 lỗ hoặc hoặc 200 lỗ, tùy thuộc vào số lượng cây giống mà bà con muốn ươm. Sau đó, đổ đất đã được xử lý vào khay ươm hạt.
- Bước 3: Gieo hạt
- Tạo lỗ nhỏ ở chính giữa mỗi ô và bỏ hạt giống vào rồi lấp đất lại. Sau khi gieo hạt xong, đặt khay nơi có nhiệt độ ấm áp. Hoặc dùng đèn sợi đốt để sưởi ấm cho cây, việc này giúp thúc đẩy quá trình nảy mầm của hạt giống.
Gieo hạt ớt bao lâu thì nảy mầm?
Hạt ớt được gieo trồng trong điều kiện thuận lợi (nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển tốt là từ 25-28°C), chỉ sau 2-3 ngày đã bắt đầu nứt nanh mầm. Sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày thì có thể nhìn thấy rõ mầm lên.
- Khi cây có dấu hiệu nảy mầm thì cần theo dõi kỹ càng cho đến khi tạo thành cây con. Khi cây con cao khoảng 15-20cm thì chọn những cây khỏe mạnh, lấy cây ra khỏi khay để đem đi trồng vào chậu, thùng xốp hoặc ngoài vườn, đồng ruộng [1].
Cách chăm sóc cây ớt trồng từ hạt
Tưới nước
Chỉ sử dụng nước tưới cây bằng nước giếng khoan, nước sạch từ sông suối, ao hồ lớn,... Không sử dụng các nước bẩn ôi nhiễm. Cây ớt là cây chịu được hạn nhưng không chịu được úng. Tưới nước vừa phải, giữ độ ẩm cho đất từ 70-80%. Độ ẩm dưới 70% quả dễ bị cong, vỏ quả không sáng đẹp, với độ ẩm trên 80% bộ rễ kém phát triển, cây còi cọc dễ mắc bệnh. Chú ý thoát nước cho vườn vào mùa mưa.
Tỉa cây, tỉa cành
Tỉa bỏ toàn bộ chồi ở nách bên dưới điểm phân cành đầu tiên. Khi chồi còn nhỏ tỉa bỏ cây bị bệnh và tiêu huỷ. Nên thực hiện tỉa khi trời nắng ráo.
Nếu ớt ra hoa đậu quả ở gần gốc thì hái bỏ hết quả non chỉ để quả ở tầng lá thứ tư trở lên khi tán lá xoè rộng.
Bón phân
Ưu tiên sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân xanh phân chuồng hoại mục kỹ. Hạn chế sử dụng phân bón hoá học, sử dụng ở mức độ cần thiết tối thiểu.
Cách bón phân, bón cách gốc từ 10 - 15cm:
Bón thúc đợt 1: Khi cây con bén rễ hồi xanh
Bón thúc đợt 2: Khi cây ra nụ 10%
Bón thúc đợt 3: khi cây ra quả rộ
Bón thúc đợt 4: khi cây cho thu hoạch quả đợt 1.
Kiểm soát sâu bệnh
Một số bệnh hại thường gặp ở cây ớt: Bệnh chết cây con, bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh thán thư, bệnh khảm lá có thể phòng trị bệnh sớm khi phát hiện ở cây con nhổ bỏ tiêu huỷ, dọn sạch tàn dư cây trồng, cày lật phơi ải đất, luân canh với các lúa nước, các cây trồng không phải họ cà.
Sâu hại ở cây ớt: Sâu đục quả, bọ trị, rệp muội, sâu khoang,... Dọn dẹp vệ sinh vườn cây thường xuyên, trồng cây với mật độ thoáng, thoát nước tốt. Phun chế phẩm sinh học để phòng trừ hoặc sử dụng thiên địch.
Trên đây là toàn bộ các bước cần thiết để ươm cây giống từ hạt ớt, trồng cây ớt từ hạt cho những cây giống khoẻ mạnh, tiền đề cho một vườn cây trồng xanh tốt, sai trái.
Tài liệu tham khảo
[1] Sở NN & PTNT tỉnh Thanh Hóa (2015), Kỹ thuật ICM trên cây ớt. Tài liệu tập huấn, 18.