Banner

Hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt năng suất cao

Kích thước chữ

Trồng ớt đúng kỹ thuật giúp người nông dân dễ dàng chăm sóc, hạn chế các sâu bệnh trên cây, cây khoẻ mạnh sinh trưởng tốt cho nhiều trái hơn. Trong bài viết này Bacsicayxanh.vn sẽ hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng ớt cho năng suất cao. 

Thời vụ trồng ớt

Khí hậu Việt Nam thuận lợi trồng ớt quanh năm. Tuy nhiên theo mùa vụ có thể trồng ớt theo 3 mùa vụ chính: Đông Xuân, Hè Thu và vụ Xuân. 

Vụ Đông Xuân: Gieo hạt vào tháng 10-11, cây cho thu hoạch vào tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Đây là vụ chính, cây ớt trồng vào thời gian này sẽ cho năng suất tốt nhất.

Vụ Hè Thu: Gieo hạt từ tháng 4 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 9. Vụ này thường ngắn ngày hơn vụ Đông Xuân.

Vụ Xuân: Gieo hạt từ tháng 1 đến tháng 2, thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 6.

Bên cạnh yếu tố về thời vụ, xem thêm: Các điều kiện để cây ớt phát triển tốt.

Kỹ thuật lên luống, đào hố trồng ớt

Sau khi đã ươm cây ớt giống xong thì bà con cần tiến hành lên luống, phủ màng trước khi xuống giống. 

Lên luống

  • Lên luống hàng đơn rộng 0,6-0,8m, cao khoảng 20-30cm. Kích thước luống có thể cao hoặc rộng hơn tùy thuộc vào từng vùng miền và điều kiện tự nhiên. 
  • Lên luống hàng đôi rộng 1,2-1,3m, cao 20-30cm. Mỗi luống trồng 2 hàng, khoảng cách giữa 2 hàng: 55-60cm, cây cách cây 40-45cm. Đối với ruộng sản xuất hạt giống thì cây cách cây khoảng 50-55cm.

||Xem thêm: Kỹ thuật làm đất trồng ớt

Phủ màng 

Trồng ớt bằng màng phủ nông nghiệp
Trồng ớt bằng màng phủ nông nghiệp
  • Bước 1: Lựa chọn loại màng

Sau khi lên luống, bà con nên tiến hành phủ bạt, sử dụng màng phủ nông nghiệp để trồng ớt. Tùy theo kích thước luống đơn hay luống đôi mà chọn mua loại màng phù hợp với luống nhà mình. 

Trồng ớt cách nhau bao nhiêu?

- Trồng dày: Khoảng cách cây cách cây là 30-40cm, hàng cách hàng 50cm, mật độ khoảng 3500-5000 cây/1000m2.

- Trồng thưa: Khoảng cách giữa 2 cây là 50-60cm, hàng cách hàng 70cm, mật độ khoảng 2000- 2500 cây/1000m2.

  • Bước 2: Cố định màng phủ nông nghiệp

Dùng bao đất hoặc bao cát để chắn giữ và cố định màng lại. 

  • Bước 3: Tạo lỗ trồng cây

Sau đó, tạo ra các lỗ trên màng với đường kính từ 5-7cm. Tùy thuộc vào khoảng cách trồng giữa các hàng và giữa các cây để chọc lỗ dày hay thưa. 

Việc phủ màng rất quan trọng, có tác dụng giữ ẩm cho cây ớt, điều hòa nhiệt độ, không làm lem đất và trừ cỏ dại cho cây. Ngoài ra, sử dụng màng phủ tăng chất lượng trái, đặc biệt những trái ở phía dưới sẽ không bị hư thối [1].

Đào hố, đào lỗ

Đào hố, đào lỗ dựa theo lỗ đã đục trên màng phủ, kích thước lỗ to hơn bầu ươm cây con để khi trồng cây con không làm tổn thương bộ rễ của cây con.

Kỹ thuật xuống giống ớt

Sau khi cây giống đã cao khoảng 15-20cm thì tiến hành xuống giống để cây có đủ không gian phát triển và kịp thích nghi với môi trường mới. Thời gian trồng ớt tốt nhất là vào buổi chiều mát để tránh bị héo do nắng gắt buổi trưa. Đây là giai đoạn tiền đề cho sự phát triển của cây, bón phân, chăm sóc cho cây ớt con đúng cách giúp cây nhanh ra lá mới, đẻ nhánh và phát triển bộ rễ.

Các bước xuống giống

  • Bước 1: Xuống giống

Loại bỏ những cây yếu, nhỏ và chọn những cây khỏe mạnh để trồng. Nhẹ nhàng tách từng cây con ra khỏi khay ươm và cho vào hố đã đào. 

  • Bước 2: Tưới nước

Sau khi trồng, cần tưới nước cho toàn bộ đồng ruộng để cấp ẩm cho cây con, cây phục hồi và nhanh bén rễ [2].

Trên đây là tổng quan về kỹ thuật trồng cây ớt. Để cây ớt cho hiệu quả kinh tế cao cần lưu ý các điều kiện thuận lợi cho cây ớt sinh trưởng và kết hợp với các biện pháp sinh học để bảo vệ cây ớt khỏi các sâu bệnh hại, cung cấp đủ các dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

Tài liệu tham khảo

[1] Sở NN & PTNT tỉnh Thanh Hóa (2015), Kỹ thuật ICM trên cây ớt. Tài liệu tập huấn, 18-19.

[2] Trung tâm Phát triển Kinh tế Nông thôn CRED, (2020). Kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế và bảo quản theo tiêu chuẩn hữu cơ, Sổ tay kỹ thuật, 16-17.