Chăm sóc cây thanh long thời kỳ khai thác

Kích thước chữ

Đây là thời kỳ quan trọng quyết định đến năng suất và chất lượng trái thanh long. Vì vậy, bà con cần chăm bón, xử lý đúng cách để tăng khả năng đậu trái cho cây. 

Kỹ thuật chăm sóc thanh long thời kỳ khai thác

Vệ sinh vườn  

  • Cắt bỏ và xử lý cỏ trong vườn bằng tay hay máy cắt cỏ, không để cỏ mọc quá nhiều làm nơi trú ngụ của côn trùng - nấm khuẩn gây bệnh. 
Làm cỏ vườn thanh long giai đoạn khai thác
Làm cỏ vườn thanh long giai đoạn khai thác

Tưới nước thanh long thời kỳ khai thác

  •  Vụ chính 

- Mùa khô: Lượng nước tưới khoảng 50 - 70m3/ha, từ tháng 5-6 thời gian giữa 2 lần tưới khoảng 2 - 3 ngày, tháng 4, 7, 9 năm sau thời gian giữa 2 lần tưới khoảng 4 - 6 ngày [2]. 

- Mùa mưa: Nếu mưa > 9mm thì không tưới, dưới < 8mm cần tưới lại vào hôm sau với mức tưới dao động từ 25 - 35 m3/ha [2]. 

  • Trái vụ 

- Thời kỳ chong đèn: 3-4 ngày tưới 1 lần, mức tưới 25 - 30m3 /ha [2]. 

- Thời kỳ kích nụ: 1 ngày tưới 1 lần, mức tưới 30 - 35 m3/ha [2].  

- Thời kỳ ra nụ - nở hoa: 1-2 ngày tưới 1 lần, mức tưới 35 - 40m3/ha [2].  

- Thời kỳ hoa tàn - quả chín: 2-3 ngày tưới 1 lần, mức tưới 35 - 40m3/ha [2].  

- Thời kỳ thu hoạch: 3 - 4 ngày tưới 1 lần, mức tưới 30 - 35 m3/ha [2]. 

Tưới nước cho vườn thanh long giai đoạn khai thác
Tưới nước cho vườn thanh long giai đoạn khai thác

Tỉa cành thanh long thời kỳ khai thác

Tiến hành tỉa bớt một số cành già đã từng cho quả trong những năm đầu, cành nằm khuất bên trong ( sẽ không cho quả hoặc cho quả nhỏ) để làm thông thoáng tán cây và giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành mới [1]. 

Có 3 cách tỉa cành là tỉa đau, tỉa lựa và tỉa sửa cành. 

  • Tỉa đau:  

- Tỉa bỏ các cành hư, cắt ¾ cành dài (cách gốc cành 30 cm).  

- Tỉa bớt chồi mới, chọn để lại 1-2 chồi khỏe, mọc cách xa nhau [1].  

Ưu điểm: Dễ thực hiện, nhanh, ít tốn kém thời gian và công lao động [1]. 

Nhược điểm: Các gốc cành mọc sau được tỉa chồng lên gốc cành củ, làm cho  bụi thanh long bị đôn cao lên [1]. 

  • Tỉa lựa:  

Tỉa bỏ các cành yếu, cành bị sâu bệnh bằng dao hoặc liềm để tập trung dinh dưỡng nuôi cành tơ và quả [1].  

Ưu điểm: Tạo được khung tán cân đối, thông thoáng trụ, không bị đôn cao [1].  

Nhược điểm: Tốn nhiều công lao động [1].  

  •  Tỉa sửa cành: 

Tỉa bỏ những cành mới ra, cành mọc lòa xòa trên các cành mẹ đã ra quả, chỉ để lại 1 - 2 cành con cách xa nhau và phân bố đều trên cành mẹ để tập trung dinh dưỡng nuôi quả [1].   

Kỹ thuật xử lý ra hoa thanh long

Cây thanh long thuộc nhóm cây ngày dài, ra hoa trong điều kiện ngày dài đêm ngắn. Đối với vụ trái từ tháng 9 - 3 dương lịch năm sau, số giờ chiếu sáng trong ngày ngắn hơn 12 giờ, do đó phải thắp đèn để kích thích ra hoa nghịch vụ [3].   

Xử lý ra hoa thanh long
Xử lý ra hoa thanh long

Tỉa nụ, quả  

  • 5 - 7 ngày sau khi nụ ra, tiến hành tỉa bỏ các nụ hoa dị dạng, bị sâu bệnh, chỉ để lại những nụ phát triển tốt, mọc cách xa nhau [1].  
  • Sau khi đậu quả 5 - 10 ngày, tiến hành tỉa quả, mỗi cành chỉ để lại 1 - 2 quả phát triển tốt, không sâu bệnh. Nếu để quá nhiều quả trên cành, kích thước quả nhỏ, không đáp ứng yêu cầu của thị trường [1]. 
Tỉa nụ và quả cây thanh long
Tỉa nụ và quả cây thanh long

Chong đèn 

  • Thanh long là cây ngày dài, do đó đối với những vụ nghịch cần chông đèn để cây nhận được đủ thời gian chiếu sáng. 
  • Phương án lắp đặt đèn

- Chong đèn kiểu ngã tư  

+ Áp dụng vào vụ đầu (tháng 8 - 9 dương lịch) hoặc vụ cuối (tháng 2 - 3 dương lịch), nhiệt độ ban đêm còn ở mức cao trung bình từ 23 - 25oC, thời gian chiếu sáng khoảng 12 - 16 đêm/ đợt, thời gian chong đèn khoảng 9 giờ/đêm [3].  

+ Bóng đèn được mắc ở giữa 2 hàng cây, khoảng cách mắc giữa 2 bóng là 3 m, vị trí mắc bóng giữa 4 trụ, chiều cao bóng đèn so với mặt đất 1-1,3 m (thanh long ruột trắng), 0,7-1m (thanh long ruột đỏ) [3].  -

-  Chong đèn cách 2 m  

+ Áp dụng vào vụ tháng 10 - 11 dương lịch, thời gian chiếu sáng khoảng 18-20 đêm/đợt, thời gian chong đèn 9 giờ/đêm [3].  

+ Bóng đèn được mắc ở giữa 2 hàng cây, khoảng cách giữa 2 bóng là 2m, chiều cao bóng đèn so với mặt đất 1 - 1,3m (thanh long ruột trắng), 0,7 - 1m (thanh long ruột đỏ) [3]. 

 -  Chong đèn ngã 2 + ngã 4  

+ Áp dụng vào vụ tháng 12 - 1 dương lịch năm sau, thời gian chiếu sáng khoảng 20-30 đêm/đợt, thời gian chong đèn 9 giờ/đêm. 

+ Bóng đèn được mắc ở giữa 2 hàng cây, khoảng cách giữa 2 bóng là 1,5m, chiều cao bóng đèn so với mặt đất từ 1 - 1,3m (thanh long ruột trắng), 0,7 - 1m (thanh long ruột đỏ) [3].  

- Chong đèn kiểu giàn chữ T  

+ Xử lý nghịch vụ cho cây 2 năm tuổi trở lên cần thực hiện tối đa 2 lần chong đèn/ năm [3].  

+ Thời điểm chong đèn từ 15/9 - 15/2 dương lịch năm sau, chia làm 2 đợt:  

Đợt 1 (Sau vụ thuận): Khoảng cách mắc giữa 2 bóng là 3m, bóng được treo giữa hàng, chiều cao so với mặt đất là 1,1m. Thời gian chong đèn từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, 15 đêm/đợt [3].  

Đợt 2 (Sau vụ chong đèn đợt một 15 ngày): Khoảng cách mắc giữa 2 bóng là 2 m, bóng được treo giữa hàng, chiều cao so với mặt đất là 1,1m. Thời gian chong đèn từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, 18 đêm/đợt [3]. 

Chong đèn trái vụ cho cây thanh long
Chong đèn cho cây thanh long

Bao trái 

  • Để hạn chế sự tấn công của các loài sâu - côn trùng gây hại lên trái, bà con có thể sử dụng túi bao trái chuyên dụng. 
  • Tiến hành bao khi nụ được khoảng 14 - 17 ngày tuổi và tháo bao khi trái được 15 ngày tuổi để trái có thể phát triển [3]. 

Vuốt tai trái 

  • Để tai quả cứng và xanh, bà con có thể vuốt tai từ 1 - 2 lần vào thời điểm 18 - 24 ngày sau khi hoa nở tùy theo từng giống [3]. 

Kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cây thanh long thời kỳ khai thác

  • Sâu hại 

Ở giai đoạn này thanh long thường bị các đối tượng như: kiến, ruồi vàng, bọ trĩ,... gây hại. Chúng phá hoại trên hoa và quả làm cho khả năng đậu quả thấp, quả bị dị dạng. Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất toàn vườn, ảnh hưởng đến thu nhập của bà con nông dân. 

Để giải quyết vấn đề trên, bà con cần sử dụng BS25 - Insect. Sản phẩm chứa nấm xanh, nấm trắng có khả năng phòng trừ và kiểm soát sâu - côn trùng gây hại hiệu quả. Đặc biệt, sản phẩm được áp dụng công nghệ vi sinh tiên tiến, có nguồn gốc hoàn toàn từ sinh học, thân thiện với môi trường và sức khỏe con người. 

  • Bệnh hại 

Ở thời kỳ này, bệnh thối trái thường xuất hiện và diễn biến mạnh trong vườn thanh long. Dưới sự tấn công của nấm bệnh, số lượng hoa và khả năng đậu trái trên thanh long sẽ bị suy giảm và cho trái nhỏ, trái dị dạng. 

Để phòng trừ và kiểm soát mầm bệnh bà con có thể sử dụng BS01 - Chaetomium. Sản phẩm chứa các chủng nấm đối kháng giúp bảo vệ cây khỏi các tác nhân gây hại, ngoài ra còn bổ sung hệ vi sinh vật có lợi cho đất, tăng khả năng đề kháng của cây,…

Bộ sản phẩm sinh học trừ sâu bệnh cây thanh long
Bộ sản phẩm sinh học trừ sâu bệnh cây thanh long

Kỹ thuật bón phân thanh long thời kỳ khai thác

Phân hữu cơ 

- Bón 2 lần đầu và cuối mùa mưa, với liều lượng 20 - 30kg phân chuồng hoai cùng với 0,5 kg supe lân/trụ [1].  

Lưu ý: Có thể sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh thay thế cho phân chuồng, với liều lượng 3 - 5 kg/trụ [1].  

Phân hoá học  

Tỷ lệ phân bón (g/trụ): 

  • Mùa thuận (chính vụ) 

 Chia làm 4 lần bón:  

- Lần 1: Sau khi kết thúc vụ nghịch, tùy tình trạng sức khoẻ của cây, có thể bón một trong các tỷ lệ NPK (1:1:0,75); (2:2:1), với lượng dùng từ 400 - 500 g. Kết hợp phun phân bón lá có hàm lượng N cao như NPK 30 - 10 - 10 từ 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày [1].  

- Lần 2: Trước khi cây ra hoa, bón 400 - 500 gam phân NPK 20 - 20 - 15 + TE hoặc 500 - 700 gam phân NPK 16 - 16 - 8 + TE, có thể sử dụng thêm phân bón lá có hàm lượng P cao như NPK 10 - 60 - 10 [1].  

- Lần 3: Khi cây đã có nụ hoa, bón 300 - 400 gam phân NPK 24 - 10 - 22 +TE hoặc 400 - 500 gam NPK 18 - 6 - 12 + TE hay NPK 15 - 15 - 15 + TE [1].  

- Lần 4: Bón cách lần thứ 3 khoảng 40 - 45 ngày, với lượng 300 - 400 gam/trụ NPK 24 - 10 - 22 + TE hoặc 400 - 500 gam NPK 18 - 6 - 12 + TE, kết hợp phun phân bón qua lá, Canxi, Bo [1].  

  • Mùa trái vụ  

- Lần 1: Trước khi thắp đèn 15 ngày, bón 400 - 500 gam phân NPK 8 - 16 - 16 + TE, có thể bổ sung phân bón qua lá như NPK 10 - 60 - 10 + TE hay NPK 6 - 30 - 30 + TE theo hướng dẫn [1].  

- Lần 2: Khi cây đã bung nụ hoa, khoảng 3 - 5 ngày sau khi ngưng đèn, bón 400 - 500 gam phân NPK 18 - 6 - 12 + TE hoặc 300 - 500 gam phân NPK 22 - 10 - 24 + TE, bổ sung thêm phân bón qua lá NPK 30 - 10 - 10, phun định kỳ 7 - 10 ngày/lần [1]. 

- Lần 3: Bón cách lần 2 khoảng 40 - 45 ngày với lượng 300 - 400 gam NPK 24 - 10 - 20 + TE hoặc 400 - 500 gam NPK 18 - 6 - 12 + TE, kết hợp phun phân bón qua lá, Canxi, Bo [1].   

Phân hữu cơ vi sinh 

  • Bón gốc 

Bà con có thể bổ sung phân hữu cơ vi sinh BS21 - Humic cho cây thanh long. Thành phần của sản phẩm có chứa nhiều chủng vi sinh vật có lợi, giúp cải tạo đất, hạn chế nấm bệnh vàng lá thối rễ gây hại trên cây. Ngoài ra, sản phẩm còn giúp thanh long ra rễ mạnh, xanh lá, bật chồi và khoẻ cây. 

  • Bón lá 

Đây là giai đoạn cây tập trung chất dinh dưỡng để phân hóa mầm hoa và đậu trái. Bà con cần sử dụng dụng BS15 - Nuti để cung cấp thêm dinh dưỡng, kích thích sự ra hoa và tăng khả năng đậu trái cho thanh long. 

Sản phẩm kích thích ra hoa thanh long
Sản phẩm kích thích ra hoa thanh long

 

Tài liệu tham khảo 

[1] Trần Danh Sửu ( Chủ biên), 2017. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thanh long, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. 

[2] Ts.Võ Hữu Thoại, Ts.Nguyễn Quang Dung, Ts.Đào Xuân Nghi, Ths.Bùi Công Kiêm, CVC.Đoàn Thị Phi Yến, 2021. Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây Thanh long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. 

[3] Ts. Lê Văn Đức ( trưởng ban). Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây thanh long theo VIETGAP, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.