Để có được một vườn cây vải khỏe mạnh, năng suất cao và ít sâu bệnh hại, bà con cần nắm rõ kỹ thuật trồng vải. Dưới đây là một số kỹ thuật mà bà con cần chú ý để có một vụ mùa bội thu. 

Kỹ thuật đào hố trồng cây vải

Đào hố trồng vải

Kỹ thuật đào hố

  • Đầu tiên, cần phải vệ sinh sạch sẽ dụng cụ trước khi đào hố để hạn chế nấm bệnh xâm nhập vào rễ.
  • Thông thường, đối với những loại đất có độ bằng phẳng hoặc đồng bằng, có khả năng thoát nước tốt, trước khi trồng khoảng 1 tháng, bà con nên thực hiện đào hố với kích thước 80x80x60 - 80cm (dài x rộng x sâu). Ở đồi núi, đất dốc nên đào hố rộng hơn với kích thước 1mx1mx0,8 - 1m [1],[2],[3].
  • Ở những vùng đất thấp, hay ngập nước thì nên đào mương và cần đắp mô đất cao lên để tránh ngập úng.

Lưu ý: Cần làm bờ bao xung quanh, rãnh thoát nước cho cây trong mùa mưa lụt. Kích thước tùy thuộc vào độ cao địa hình của vùng trồng.

Khoảng cách, mật độ trồng

  • Mật độ trồng tùy thuộc vào giống, điều kiện khí hậu, đặc tính thổ nhưỡng ở từng vùng, mức độ thâm canh mà quyết định mật độ và khoảng cách trồng phù hợp. 
  • Khoảng cách trồng vải thích hợp là 7m x 7m hoặc 8m x 8m (tương đương với mật độ 156- 205 cây) [1]. 
  • Mật độ trồng có thể điều chỉnh tùy theo từng nhóm vải, các giống vải chua sẽ có khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh hơn giống vải nhỡ và vải thiều. Do đó, vải thiều có thể trồng với mật độ dày hơn, tiếp theo là vải nhỡ và cuối cùng là giống vải chua [4].
  • Bà con có thể trồng xen các loại cây rau màu như cây họ đậu để tăng độ màu mỡ và giữ ẩm cho đất, đồng thời đem lại kinh tế cho bà con. 

Kỹ thuật lên luống trồng cây vải

Lên luống trồng vải

  • Sau khi thu dọn sạch cỏ dại, bà con tiến hành lên luống, chiều rộng luống khoảng 9-10m, cao khoảng 20-30cm. Giữa các hàng cây nên đào rãnh rộng khoảng 50-80cm, sâu 50-60cm nhằm dẫn nước tưới khi cần và thoát nước dễ dàng, nhanh chóng vào mùa mưa. 
  • Độ rộng và độ sâu của mương tùy thuộc vào độ dốc của vùng trồng vải. Nên tạo hệ thống mương rộng ở xung quanh vườn để thoát nước tốt hơn, chiều rộng khoảng 1-2m và sâu 1-1,5m [5]. 

Kỹ thuật trồng cây vải

1. Chuẩn bị cây giống

Cành chiết ra rễ: Cắt cành chiết và gỡ vào bầu hoặc vườn ươm để bộ rễ phát triển đầy đủ. Điều này giúp cây tăng tỷ lệ sống khi trồng. Vận chuyển cây nhẹ nhàng đến khu vực trồng.

2. Trồng và cố định cây con

Bước 1: Trồng cây

Xé bỏ bọc, đặt bầu cây vào hố, lấp đất sao cho cổ rễ bằng hoặc thấp hơn mặt đất 2 - 3 cm. Lấp đất, ém xung quanh kín mặt bầu. Với các vùng đất ruộng, vùng đất thấp dễ bị úng trồng bầu nổi cao hơn mặt đất từ 3 - 5cm. Sau đó dùng đất tơi vun kín xung quanh bầu. 

Bước 2: Tưới nước

Tưới đẫm nước, lấp đấp bổ sung sau khi tưới. Tiếp theo đó là cố định cây, phủ gốc và thường xuyên giữ ẩm cho cây.

Bước 3: Cố định cây - Chuẩn bị cọc

Sử dụng các vật liệu tre, nứa, gỗ để làm cọc có đường kính 1,5 - 2,0cm, dài 1,0 - 1,2m. Ở vùng hay có gió mạnh, về vụ mưa, cây giống to cao thì nên sử dụng 3 cọc cho 1 cây. Cọc được vát nhọn, đóng chắc chắn theo thế chân kiềng, tạo góc 45 - 500 so với thân cây. Điểm tiếp xúc của thân cây với cọc ở trạng thái tự nhiên để khi cố định cây vào cọc không làm ảnh hưởng xấu đến tư thế cây và bộ rễ.

Dùng dây cột chặt vừa phải cọc với thân cây không gây tổn thương lớp vỏ thân chỗ tiếp xúc. Dùng các loại dây mềm như nylon, lạt tre, sợi đay.

Bước 4: Phủ gốc

Có thể sử dụng các loại cỏ, rơm rạ khô để pủ gốc. Ở những vùng khan hiếm nước, về mùa khô có thể dùng nilon để che phủ vùng đất quanh gốc cây sau khi tưới đủ nước.

3. Quản lý cây và đất trồng

Bước 5: Dặm cây con chết

Để vườn cây đảm bảo mật độ, sinh trưởng đồng đều thì những cây chết phải trồng dặm thường xuyên trong thời kỳ cây còn nhỏ (1 - 2 năm sau trồng). Thường phải dự trữ 10% số cây giống cùng loại cho trồng dặm. Để cây trồng dặm đáp ứng được yêu cầu thì cần phải chuẩn bị cây dự phòng.

Thời vụ dặm là tháng 2 - 3 và tháng 8 - 9, chọn những ngày trời râm mát, đất đủ ẩm để tiến hành trồng dặm, nếu dặm xong trời hạn phải tưới nước. Đảm bảo cây trồng dặm không bị cỏ dại lấn át và sâu bệnh gây hại.

Bước 6: Trồng xen kết hợp làm cỏ và vun xới

Xới xáo kết hợp trồng xen với các cây họ đậu (lạc, đỗ tương, đỗ xanh…), cây ăn quả ngắn ngày (đu đủ, dứa, chuối…), rau xanh, khoai sọ… để tăng thu nhập trong những năm đầu, che phủ đất, che cho cây bớt nắng ở các vùng nắng nóng, chống xói mòn và tăng độ phì cho đất.

Tài liệu tham khảo 

[1] KS. Hoàng Minh (2005), Sổ tay kỹ thuật trồng và chăm sóc một số chủng loại cây ăn quả, NXB Lao động- Xã hội.

[2] Nguyễn Hữu Hoàng và cộng sự (2010), Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải, NXB Thời đại. 

[3] KS. Phạm Văn Duệ (2005), Giáo trình Kỹ thuật trồng cây ăn quả, NXB Hà Nội. 

[4] Cẩm nang cây trồng, “Trồng và chăm sóc cây vải, nhãn“. 

[5] Cẩm nang cây trồng, “Trồng và chăm sóc cây vải, nhãn“.

Xem thêm kinh nghiệm trồng cây vải