Kỹ thuật ghép cành cho cây vải

Kích thước chữ

Có rất nhiều kỹ thuật ghép khác nhau, tuy nhiên, đối với cây vải thì ghép nêm (ghép đoạn cành) sẽ cho hiệu quả tốt nhất. Việc nhân giống bằng kỹ thuật ghép đòi hỏi bà con nông dân chú trọng trong các khâu kỹ thuật như chuẩn bị dụng cụ và từng bước thực hiện. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu thêm về kỹ thuật ghép cho cây vải.  

Ưu điểm, nhược điểm của phương pháp ghép cành

Ưu điểm 

  • Gốc ghép phát triển tốt, có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai thì đồng thời cũng mang lại điều kiện thuận lợi cho cành ghép phát triển.
  • Cây ghép vẫn sẽ giữ nguyên được các đặc tính của giống muốn nhân.
  • Trong thời gian ngắn có thể nhận được nhiều cây giống có chất lượng cao.
  • Tỷ lệ sống cao [1],[2].

 Nhược điểm

  • Các bệnh trên cây mẹ có thể lây sang cây con qua nhiều thế hệ.
  • Bộ rễ của cây tương đối nông, kém chịu hạn và dễ bị đổ.
  • Yêu cầu người ghép phải thành thạo, tỉ mỉ, cẩn thận [2]. 
  • Trong các loại phương pháp ghép thì ghép áp tốn chi phí và tốn công hơn, nhất là việc đưa cây con vào sát với vị trí ghép ở trên cây mẹ.

Tiến hành đoạn cành (ghép nêm) cho cây vải 

Dụng cụ

Chuẩn bị dụng cụ ghép cây vải
Chuẩn bị dụng cụ ghép cây vải
  • Dao/ kéo cắt cành.
  • Băng keo ghép cây chuyên dụng (chuẩn bị thành các đoạn khoảng 50cm) hoặc túi nilon.
  • Cành ghép
  • Gốc ghép

Kỹ thuật ghép cành

  • Bước 1: Xử lý gốc ghép
Xử lý gốc ghép cây vải
Xử lý gốc ghép cây vải

- Dùng dao cắt bỏ những cành nhỏ hoặc cành già để làm trẻ hóa cây.

- Tại vị trí ghép, bà con có thể sử dụng dao, kéo cắt cụt phần ngọn của gốc ghép, sau đó chẻ thẳng tại vị trí chính giữa của gốc ghép 1 đường sâu khoảng 3 - 4 cm.

Lưu ý: Dụng cụ phải sắc, sạch sẽ, động tác phải dứt khoát tránh xơ vết cắt, hạn chế cắt nhiều lần vì vi khuẩn có thể lây từ dụng cụ qua cây.

  • Bước 2: Tiến hành xử lý cành ghép
Xử lý cành ghép cây vải
Xử lý cành ghép cây vải

- Dùng dao vát nhọn 2 mặt của cành ghép thành hình chữ V sao cho kích thước vết cắt cành ghép bằng với kích thước vết chẻ ở gốc ghép để quá trình liền sinh diễn ra thuận lợi.

Lưu ý: Động tác phải thật nhanh, dứt khoát để vết cắt được phẳng.

  • Bước 3: Tiến hành ghép cành
Ghép cành vải
Ghép cành vải

- Ghép cành và gốc lại với nhau sao cho vừa khít, cành ghép không bị rơi khi bỏ tay ra. 

  • Bước 4: Cố định cành ghép
Cố định cành ghép cây vải
Cố định cành ghép cây vải

- Sau khi ghép cành và gốc lại với nhau, bà con tiến hành cố định cành ghép bằng dây nilon chuyên dụng để bảo vệ cây tránh khỏi sự xâm nhiễm của các tác nhân gây hại có mặt trong môi trường và sự bốc thoát hơi nước của cây.

Lưu ý: Vị trí ghép được cố định bằng dây nilon phải chắc chắn, không bị lung lay khi tưới nước hoặc gió.

 

Tài liệu tham khảo

[1] KS. Phạm Văn Duệ (2005), Giáo trình Kỹ thuật trồng cây ăn quả, NXB Hà Nội. 

[2] Cẩm nang cây trồng. Nhân giống cây vải, nhãn: Ghép cành vải, nhãn.