Banner

Chăm sóc, bón phân cây xoài thời kỳ khai thác

Kích thước chữ

Giai đoạn cây trưởng thành là giai đoạn cây được 4 năm tuổi trở lên. Đây là thời kỳ cây xoài đã phát triển hoàn chỉnh đầy đủ thân lá và có đủ điều kiện để ra hoa, mang quả. Vì vậy, quá trình chăm sóc cho cây xoài ở giai đoạn này cần phải được bà con đặc biệt chú ý.

Kỹ thuật xử lý ra hoa xoài

Kỹ thuật xử lý ra hoa cho cây xoài
Kỹ thuật xử lý ra hoa cho cây xoài

Kỹ thuật xử lý ra hoa, ra đọt là việc làm nhằm mục đích tránh tình trạng vào vụ thu hoạch rộ thì bị rớt giá. Muốn xoài ra hoa tốt, trước tiên phải kích thích cây ra chồi, quá trình xử lý cho xoài ra hoa trái mùa phải được bắt đầu từ khi mùa vụ trước vừa kết thúc. 

Tưới nước

  • Nếu xoài trổ bông trái mùa, cần phải tưới nước liên tục cho cây (thường là 1- 2 ngày/lần) cây sẽ ra chồi non nhanh hơn. 
  • Khi cây xoài đã bắt đầu ra đọt non rồi thì hãy hãm nước, giảm xuống 1-2 tuần tưới 1 lần thay vì 1-2 ngày/lần [1]. 

Vệ sinh vườn, cắt tỉa

  • Trước tiên bà con cần xử lý, vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt bỏ những cành, lá bị sâu bệnh, cằn cỗi, những chồi đã ra hoa hoặc cuống bông vụ trước để tạo độ thông thoáng cho vườn xoài. 
  • Khoảng 1- 1,5 tháng sau khi thu hoạch vụ trước, bà con tiến hành bón phân, tỉa bỏ đi những nhánh phát hoa mà không ra trái, nhánh đã thu hoạch ốm yếu, sâu bệnh hại, khuất tán, chen lấn nhau nhằm kích thích đọt ra đồng loạt, dễ dàng chăm sóc hơn [2]. 

Xông khói

  • Đây là một phương pháp truyền thống vì ít tốn kém, tuy nhiên hiệu quả không cao.
  • Người ta thường un khói vào đầu mùa khô, cần canh hướng gió để khói len vào giữa các tán cây. 
  • Thời gian xông khói kéo dài từ 1-2 tuần đến khi cây ra phát hoa thì dừng lại. 
  • Nếu trường hợp cây không ra hoa thì cần thực hiện lại sau 1 tháng [2].  

Kỹ thuật bón phân cho xoài thời kỳ khai thác

Cây xoài trong thời kỳ khai thác cần xác định rõ thời điểm bón phân làm sao cho phù hợp với chu kỳ sinh trưởng của thân lá, ra hoa, giúp cho việc hình thành quả và đạt năng suất cao nhất. 

Thời điểm và lượng phân bón

  • Thời điểm 1: Sau thu hoạch quả (cuối tháng 8, đầu tháng 9). 

Lượng phân bón: Bón 30-50kg phân chuồng hoai mục + 0,5-0,8kg NPK 14:14:14 cho mỗi cây [3].

  • Thời điểm 2: Khi cây bắt đầu đậu quả (cuối tháng 3, đầu tháng 4).

Lượng phân bón: Bón 0,5-0,6kg NPK 14:14:14 cho mỗi cây [3]. 

 Phương pháp bón phân

  • Đào rãnh xung quanh gốc xoài theo hình chiếu của tán cây với độ sâu khoảng 20cm, rộng khoảng 20cm. 
  • Cho toàn bộ phân chuồng rải xuống xung quanh tán cây theo rãnh. 
  • Tiếp đó rắc phân vô cơ lên phía trên. 
  • Sau cùng, lấp đất lại, phủ rơm rạ lên trên và tưới ẩm cho cây [3].

Lưu ý: Nếu bón phân trong giai đoạn thời tiết khô hạn thì cần phải tưới nước cho cây từ 5-7 ngày một lần. Bà con chú ý bón phân cân đối, không bón quá nhiều phân đạm sẽ gây rụng trái.

Kỹ thuật chăm sóc nuôi trái xoài

Thông thường, sau khâu xử lý ra hoa- đậu trái xong thì cây xoài chuyển qua giai đoạn nuôi trái. Quá trình từ lúc trái còn non đến lúc chín diễn ra trong khoảng thời gian gần 4 tháng. Đây là thời kỳ quyết định đến sản lượng và chất lượng mẫu mã trái sau này. Nếu không có kỹ thuật chăm sóc bón phân tốt và cung cấp đầy đủ nước tưới, thì cây xoài sẽ thiếu dưỡng chất, làm rụng trái và giảm năng suất. 

  • Sau khoảng 30- 40 ngày đậu trái non, xoài có tốc độ lớn rất nhanh, do đó bà con nông dân cần tăng cường cung cấp dinh dưỡng cho vườn xoài để trái phát triển toàn diện và đạt kích cỡ tối đa [4]. 
  • Bón phân giai đoạn nuôi trái: Chia làm 2 đợt, đợt đầu vào tháng 4 nhằm hạn chế quá trình rụng trái non và bón đợt 2 vào tháng 5-6 nhằm đẩy nhanh quá trình lớn của trái. 

Lượng phân bón: 

  • Đợt 1: Bón 200g ure cho mỗi cây. 
  • Đợt 2: Bón 100g ure + 100g KCl [3]. 

Cách bón: Xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, bà con tiến hành đào rãnh sâu 20cm, rộng 20cm. Sau đó rải phân và lấp đất lại, dùng rơm rạ, cỏ khô phủ lên trên rồi tưới ẩm ngay [3]. 

  • Bón phân sau thu trái: Ở giai đoạn này bà con nên bón phân đạm, lân, kali với tỷ lệ 1:1:1 hoặc sử dụng phân bón tổng hợp NPK 14-14-14. 
  • Bón 3-5kg phân NPK 14:14:14 + 50kg phân chuồng ủ hoai mục cho mỗi cây [3]. 
  • Cách bón tương tự như bón phân vào giai đoạn nuôi trái. 

Kỹ thuật phòng trừ sâu, bệnh cho xoài thời kỳ khai thác

Phòng trừ sâu hại

  • Cây xoài ở giai đoạn này thường bị các loài côn trùng hại tấn công như ruồi đục quả, rệp sáp, rầy mềm, sâu đục trái, bọ trĩ, câu cấu xanh,... [5].
  • Lúc này bà con nên tiến hành sử dụng BS25- Insect để ngăn ngừa và kiểm soát sâu- côn trùng gây hại trên cây xoài, giúp cây hạn chế được trên 80% các loài sâu, rầy, rệp, côn trùng hại. 

Phòng trừ bệnh hại

  • Cây xoài thường xuất hiện những loại bệnh phổ biến như thán thư, phấn trắng, xì mủ, đốm đen, nấm hồng, thối trái, khô đọt,.. [5]. 
  • Sử dụng BS01- Chaetomium để phòng ngừa và xử lý bệnh trên cây xoài ở giai đoạn này. Việc ứng dụng các chế phẩm sinh học vừa giúp loại bỏ nấm khuẩn gây bệnh và vừa tăng khả năng đề kháng cho cây. Sản phẩm chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên an toàn, hiệu quả và không để lại tồn dư trong nông sản.

Bộ đôi chuyên xử lý sâu - bệnh hại trên cây xoài thời kỳ khai thác
Bộ đôi chuyên xử lý sâu - bệnh hại trên cây xoài thời kỳ khai thác

 

Tài liệu tham khảo

[1] Việt Nam nông nghiệp sạch, Quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa xoài trái vụ. 

[2] Dương Minh và cộng sự (2001), Kỹ thuật trồng xoài, NXB Nông nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] GS. TS. Lê Văn Tố và cộng sự (2006), Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo ISO (Quyển 5: Cây xoài), NXB Lao động Xã hội.

[4] Cẩm nang cây trồng. Biện pháp xử lý xoài ra hoa đồng loạt, đậu nhiều quả bằng hóa chất.

[5] Cẩm nang cây trồng. Sâu bệnh hại cây xoài.