Banner

Kỹ thuật làm đất trồng thanh long

Kích thước chữ

Thanh long có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau. Việc lựa chọn đất trồng phù hợp sẽ giúp cây phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng tốt, giảm được đáng kể chi phí chăm sóc. 

Một số kỹ thuật làm đất trồng thanh long

Chọn đất trồng phù hợp cho cây thanh long

  • Lựa chọn vùng trồng 

- Chọn vùng sản xuất có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh trưởng của giống cây. 

- Nên trồng thanh long ở nơi có thể chủ động được nguồn nước tưới tiêu cho cây. 

  • Các loại đất trồng 

Đất trồng: 

Thanh long có thể trồng trên nhiều loại đất như: Đất cát pha phù sa, đất xám bạc màu, đất đỏ Bazan, đất thịt,…nhưng tốt nhất là trồng trên đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, pH từ 5-7 [1]. 

- Vùng đất cao (như Bình Thuận, Đồng Nai, Vũng Tàu,...) 

Vùng này phần lớn là đất xám bạc màu, đất cát pha hoặc đất núi, đất dốc dễ xói mòn, rửa trôi nên cần bón nhiều phân chuồng hoai mục để cải tạo đất [3]. 

- Vùng đất thấp, nhiễm phèn (như Tiền Giang, Long An…):  

Trong mùa nắng đất phải được cày bừa kỹ, phơi, trừ cỏ dại. Nếu xử lý không kỹ sẽ tốn rất nhiều chi phí trừ cỏ về sau [3].  

  • Các loại trụ trồng 

- Một số loại trụ thường được sử dụng để trồng thanh long là trụ gỗ, trụ gạch hoặc trụ xi măng cốt sắt.  

-Loại trụ xi măng cốt sắt đang được sử dụng phổ biến với kích thước cạnh từ 12-15cm, cao 1,6-2,0m, phía trên có 2-4 thanh sắt đưa ra ngoài từ 20- 25cm được bẻ cong theo 4 hướng dùng làm giá đỡ cho cành thanh long sau này [3]. 

Xử lý, cải tạo đất trước khi trồng 

Bà con cần cải tạo đất trồng để loại bỏ sâu, bệnh, nấm khuẩn gây hại. Đồng thời, việc làm này còn góp phần thay đổi kết cấu đất, giúp đất tơi xốp, màu mỡ hơn. 

  • Bước 1: Vệ sinh đồng ruộng 

Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn, tiêu hủy tàn dư thực vật từ vụ mùa trước, đồng thời, làm sạch cỏ dại cho vườn. 

  • Bước 2: Cày, bừa đất trồng 

Cày, bừa kỹ đất trong mùa nắng cho tơi xốp, kết hợp phơi ải để diệt các ấu trùng của sâu bệnh nằm trong đất. 

Cày xới đất trồng thanh long
Cày xới đất trồng thanh long
  • Bước 3: Bón vôi 

Bón thêm vôi để nâng độ pH đất, hạn chế sự phát triển của vi sinh vật gây hại tồn tại trong đất. 

Lưu ý: Không bón quá nhiều vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. 

Bón vôi cho đất trồng thanh long
Bón vôi cho đất trồng thanh long
  • Bước 4: Bón lót 

Cuối cùng, bà con cần bón lót để cung cấp dinh dưỡng giúp cho hom giống có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong thời kỳ đầu. 

Liều lượng:  

+ Giàn chữ T (T-Bar): Bón lót 10kg phân chuồng hoai mục kết hợp 0,5kg phân supe lân với 0,5kg vôi/ô 3m (5 hom) [2]. 

+ Giàn trụ: Bón lót 10 - 20kg phân chuồng hoai mục với 0,5kg lân supe và 0,2 - 0,5 kg vôi/ trụ [2]. 

  • Bước 5: Xử lý đất bằng BS07 Trichoderma 

- Sau khi bón lót, tiếp tục tiến hành pha BS07 - Trichoderma với liều lượng 1kg BS07 - Trichoderma với 200 - 400 lít nước, tưới đều và đẫm trên đất trồng thanh long. Sản phẩm giúp xử lý nấm bệnh hại cây trồng. Ngoài ra, còn giúp phân giải các chất hữu khó tan trong đất, làm đất tơi xốp, màu mỡ. 

Trichoderma xử lý đất
Trichoderma xử lý đất
  • Bước 6: Lên mô, đào hố. 

- Đối với vùng đất thấp cần phải lên mô trước khi trồng để tránh ngập úng; mô trồng cần cao khoảng 40cm để đề phòng ngập nước trong mùa mưa.  

- Đào hố sâu khoảng 0,4-0,5m ( tuỳ vào vùng đất) để trồng trụ [3]. 

- Sau khi chôn trụ xong, đào quanh trụ ( độ sâu khoảng 20cm, rộng khoảng 1,5cm) để bón lót phân chuồng, phủ đất và đặt hom [3]. 

Thiết kế vườn trồng 

Kiểu trồng trụ xi măng: 

  • Trụ xi măng cốt sắt: Mỗi cạnh rộng 12-15cm, dài 1,6-1,8 m, chôn sâu khoảng 0,4 -0,5 m [1]. 
  • Khoảng cách trồng trung bình 3 x 3 m (1.100 trụ/ha) hoặc 3 x 2,8 m (1.190 trụ/ha) tùy theo từng điều kiện của vùng [1]. 
Trụ xi - măng trồng thanh long
Trụ xi - măng trồng thanh long

Kiểu giàn chữ T (T-Bar): 

  • Tiến hành làm trụ trồng, trụ giằng, căng dây cho giàn trồng và lắp đặt hệ thống tưới [1]. 
  • Khoảng cách giữa các hàng và các trụ là 3m, hom cách hom là 0,5m [1]. 
  • Sử dụng cây gỗ có chiều dài khoảng 1,5m chôn vào đất 10-15cm, cách nhau 60cm, làm trụ đỡ cho thanh long bám để phát triển leo lên giàn [1]. 
Giàn chữ T trồng thanh long
Giàn chữ T trồng thanh long

 

Tài liệu tham khảo 

[1] Hướng dẫn canh tác cây Thanh long theo tiêu chuẩn VIETGAP, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng nông nghiệp Hà Nội. 

[2] Ts.Võ Hữu Thoại, Ts.Nguyễn Quang Dung, Ts.Đào Xuân Nghi, Ths.Bùi Công Kiêm, CVC.Đoàn Thị Phi Yến, 2021. Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây Thanh long thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn. 

[3] Trần Danh Sửu ( Chủ biên), 2017. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Thanh long, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.