Bệnh khảm lá mì hay lá sắn là một trong những bệnh nguy hiểm và gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Bệnh này không chỉ làm giảm năng suất và chất lượng mà còn có khả năng gây mất mùa nếu không được kiểm soát. Dưới đây là thông tin chi tiết về bệnh này.
1. Nguyên Nhân Gây Bệnh
Bệnh khảm lá sắn do virus Begomovirus stanleyi gây ra (tên cũ là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV), thuộc họ Begomovirus (Geminiviridae), gây ra.
2. Cơ Chế Lan Truyền Bệnh
Qua môi giới truyền bệnh:
- Bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) là môi giới chính truyền virus SLCMV.
- Bọ phấn trắng chích hút nhựa cây bị bệnh khảm lá và virus theo dịch cây vào cơ thể bọ phấn khi chúng chuyển sang chích hút cây chưa bị bệnh virus theo nước bọt của bọ phấn truyền sang cây khỏe làm cây bị nhiễm bệnh.
- Bọ phấn gây hại trên nhiều loại cây như thuốc lá, cà chua, bầu bí, khoai tây, và các cây trồng khác.
Qua hom giống:
- Virus gây bệnh khảm lá sắn tồn tại trong thân, lá, và củ của cây sắn nhiễm bệnh.
- Khi hom giống từ cây bị bệnh được sử dụng để trồng, virus sẽ tiếp tục phát triển trên cây mới và làm xoăn lá ngay khi cây vừa mọc mầm.
3. Triệu Chứng Và Tác Hại
Triệu chứng:
Trên lá: Xuất hiện các vết khảm vàng xanh loang lổ, bệnh phát triển nặng làm biến dạng lá, lá sắn xoăn, cong queo, nhăn nhúm.
Trên chồi non: Hom giống lấy từ cây sắn nhiễm bệnh hoặc bọ phấn truyền virus gây bệnh ngay khi cây mới nhú mầm thì chồi non sẽ phát triển chậm, chùn ngọn và lá khảm vàng xanh loang lổ, bản lá xoăn, biến dạng hoàn toàn).
Trên thân, củ: Bệnh không biểu hiện rõ ràng trên thân, củ. Tuy nhiên khi thân sắn làm giống hoặc thân, gốc sắn còn sót trên đồng ruộng nảy mầm sẽ biểu hiện bệnh như trên chồi non.
Hom giống: Hom giống lấy từ cây sắn bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện bệnh ngay và nguy cơ giảm năng suất, chất lượng củ sắn cao nhất có thể không cho thu hoạch
Tác hại:
Bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng, khi cây sắn khoảng 2 tháng tuổi trở lên mới nhiễm virus thì biểu hiện bệnh nhẹ hơn, năng suất, chất lượng giảm ít hơn..
Cây non nhiễm bệnh: Không cho thu hoạch, giảm năng suất hoàn toàn.
Cây trưởng thành nhiễm bệnh: Năng suất và chất lượng giảm đáng kể.
4. Biện Pháp Phòng Bệnh
Biện Pháp Canh Tác
- Kiểm soát nguồn bệnh
Không nhập khẩu, buôn bán vật liệu sắn nhiễm virus gây bệnh khảm để làm giống.
Không vận chuyển thân cây sắn bị bệnh đến vùng chưa bị bệnh, không vận chuyển thân cây bị bệnh ra khỏi vùng đang bị bệnh.
- Chọn giống:
Ưu tiên trồng giống kháng bệnh và không trồng giống nhiễm bệnh nặng (ví dụ: HLS11, KM 419). Không sử dụng các vật liệu làm giống sắn từ khu vực có dịch như Lào, Campuchia,...
- Biện pháp canh tác:
Luân canh: Không trồng sắn hoặc cây ký chủ của bọ phấn ở vùng đã bị bệnh ít nhất một vụ để cắt nguồn virus gây bệnh.
Những ruộng đã bị bệnh cần được chăm sóc và tưới nước, bón phân đầy đủ để tăng sức đề kháng bệnh và giảm thiệt hại về năng suất.
Quản Lý Phòng Trừ Môi Giới Truyền Bệnh
Sử dụng thiên địch: Quản lý bọ phấn bền vững thông qua bảo vệ, nhân thả các tác nhân sinh học như ong Encarsia formosa, Eretmocerus sp. ký sinh trứng bọ phấn; bọ xít bắt mồi Geocoris spp., bọ mắt vàng Chrysopa spp., các loài bọ rùa ăn trứng và ấu trùng bọ phấn.
Bẫy dính vàng: Sử dụng bẫy để kiểm soát bọ phấn trắng.
Phun thuốc BVTV: Phun thuốc diệt bọ phấn, hiệu quả cao khi phun ở giai đoạn ấu trùng.
+ Phun lần 1: Khoảng 20 - 25 ngày sau trồng (cây mới ra 1 - 2 cặp lá).
+ Phun lần 2: Khoảng 1,5 - 2 tháng sau trồng (cây cao 0,5 - 0,7m) nếu trên ruộng vẫn xuất hiện nhiều bọ phấn. Phun trừ bọ phấn vào sáng sớm hoặc chiều mát khi bọ phấn ít hoạt động; phun ướt đều tán lá cây sắn. Sử dụng các thuốc BVTV đã được đăng ký phòng trừ bọ phấn hại cây sắn có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hàng năm.
Tiêu Hủy Nguồn Bệnh
- Xác định ruộng bị bệnh:
- Điều tra mức độ bệnh để chọn biện pháp tiêu hủy phù hợp.
- Tiêu hủy cây bệnh:
- Ruộng bệnh nhẹ (<70% cây bị nhiễm): Nhổ cây bệnh, thu gom và đốt.
- Ruộng bệnh nặng (>70% cây bị nhiễm): Nhổ toàn bộ ruộng, tận thu củ, thân và lá đem tiêu hủy.
5. Lưu Ý Khi Tiến Hành Phòng Trừ
- An toàn lao động: Sử dụng đầy đủ dụng cụ bảo hộ khi phun thuốc và tiêu hủy cây bệnh.
- Vệ sinh ruộng: Loại bỏ tàn dư cây bị bệnh trên đồng ruộng để hạn chế mầm bệnh.
- Theo dõi thường xuyên: Phát hiện bệnh sớm để có biện pháp xử lý kịp thời.
Bệnh khảm lá sắn là mối nguy hại lớn với sản xuất sắn tại Việt Nam và cần được quản lý chặt chẽ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, cán bộ nông nghiệp và cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.