Đất chua là một vấn đề phổ biến trong nông nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây trồng. Vậy, làm thế nào để cải tạo đất chua một cách hiệu quả? Bài viết dưới đây BSCX sẽ chia sẻ đến bà con nông dân các biện pháp cải tạo đất chua, đất nhiễm phèn đơn giản tiết kiệm, hiệu quả nhất.
Đất chua là gì?
Đất chua hay còn gọi là đất bị nhiễm phèn là loại đất có tính axit cao, với độ pH dưới 6.5. Tính chất này thường do mất cân bằng giữa các ion H+ và OH-, nồng độ H+ nhiều hơn nồng độ OH-, nhiều Fe3+, Al3+ tự do trong đất, làm giảm độ pH.
Đặc điểm của đất chua:
- Độ pH thấp: pH dưới 6.5, chỉ báo tình trạng axit trong đất.
- Mất dinh dưỡng: Khả năng giữ và cung cấp dinh dưỡng cho cây kém hơn, đặc biệt là các nguyên tố như canxi (Ca), magie (Mg), và kali (K).
- Ảnh hưởng đến vi sinh vật: Ức chế sự phát triển và hoạt động của vi sinh vật có lợi trong đất làm giảm số lượng, gây mất cân bằng sinh học.
Nguyên Nhân Đất Chua
Để cải tạo đất chua, trước hết cần hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng này:
- Mưa Nhiều: Nước mưa rửa trôi các chất kiềm như Ca, Mg, K.
- Hữu Cơ: Không có biện pháp bổ sung phân hữu cơ phù hợp cho đất hoặc do quá trình phân giải các chất hữu cơ tự nhiên sinh ra các axit.
- Đặc tính kết cấu đất:: Đất kém thoáng khí, yếm khí tạo ra axit hữu cơ, làm giảm pH.
- Phân Bón Hóa Học: Lạm dụng phân bón hóa học quá mức hoặc không có biện pháp bổ sung phù hợp làm đất trở nên chua.
- Thuốc BVTV: Lạm dụng thuốc BVTV, chất kích thích sinh trưởng quá mức.
Tác Hại Của Đất Chua
Đất chua gây nhiều tác hại cho cây trồng và vi sinh vật trong đất:
- Đối Với Cây Trồng: Ức chế sự sinh trưởng phát triển, giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất, tăng nồng độ độc tố Al tự do gây độc cho cây.
- Đối Với Vi Sinh Vật: Gây giảm số lượng vi sinh vật có lợi do hầu hết các vi sinh vật có lợi trong đất không thể sinh trưởng được ở môi trường đất có độ chua, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái đất.
Các Biện Pháp Cải Tạo Đất Chua, đất nhiễm phèn
Biện Pháp Bón Vôi Cải Tạo Đất Chua
Sử dụng các loại vôi nông nghiệp như bột đá vôi (CaCO3), vôi tôi (Ca(OH)2), vôi nung (CaO) và dolomite lime (CaMg(CO3)2). Nên sử dụng các loại vôi xám có chứa Ca và Mg có tính kiềm sẽ trung hòa axit trong đất.
Bón Đúng Lúc, Đúng Thời Điểm
Đối với cánh đồng trồng lúa nước:
- Để khử phèn chua hay khử trùng cho đất, nên phun rắc vôi trước khi gieo sạ lúa từ 15-20 ngày.
Với vườn cây chưa cho thu hoạch:
- Có thể bón vôi vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Với các vườn đang cho trái:
- Chỉ nên bón vôi sau khi đã thu hoạch xong và vào đầu mùa mưa. Kết hợp với các biện pháp chăm sóc khác như cắt cành, tạo hình, bón phân, bồi đắp bổ sung mặt liếp, và phòng trừ sâu bệnh để tránh ảnh hưởng tới chất lượng của quả.
Ở các khu vực nhiều mưa:
- Khi canh tác các loại cây ăn quả có múi hay các cây công nghiệp ngắn ngày, nên bón vôi vào đầu mùa mưa để có hiệu quả cao nhất.
Đối với cây trồng có múi như cam, bưởi:
- Phun vôi cũng là cách làm tăng độ ngọt cho trái.
Bón Đúng Liều Lượng
Đối với đất sét, nhiều chất hữu cơ:
- pH từ 3.5-4.5: cần bón 2 tấn vôi/ha.
- pH từ 4.6-5.5: bón 1 tấn vôi/ha.
- pH từ 5.6-6.5: bón 0.5 tấn vôi/ha.
- pH > 6.5: không cần bón vôi.
Đối với đất cát, ít chất hữu cơ:
- pH từ 3.5-4.5: bón < 1 tấn vôi/ha.
- pH từ 4.6-5.5: bón < 0.5 tấn vôi/ha.
- pH từ 5.6-6.5: bón < 250 kg vôi/ha.
- pH > 6.5: không cần bón vôi.
Bón đúng cách
Rải đều lượng vôi trên đất sau đó dùng cuốc xới đều sâu 5-10cm để trộn vôi đều với đất. Sau khi rải vôi cần tưới nước đủ ẩm cho đất giúp vôi hòa tan.
Một Số Lưu Ý khi bón vôi
Tính sát khuẩn của vôi:Vì vôi có tính sát khuẩn mạnh, vôi có thể tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi cho đất nên cần bón đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách để không gây lãng phí và gây hệ quả xấu cho đất.
Không bón vôi cùng với phân bón khác:Vôi bột (Ca(OH)2) có thể làm mất đạm, nên không bón vôi cùng với các loại phân bón khác. Cần bón vôi trước hoặc sau đợt bón phân ít nhất 15 ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.
Cải Tạo Đất Chua Bằng Cách Tăng Cường Lượng Hữu Cơ
- Hữu cơ là nguồn thức ăn của các vi sinh vật trong đất: Khi tăng lượng hữu cơ, sự hoạt động của hệ vi sinh vật có lợi trong đất sẽ được tăng cường, giúp đất tơi xốp hơn. Sử dụng phân chuồng, phân xanh để cải thiện cấu trúc đất và tăng cường hoạt động của vi sinh vật có lợi.
- Cải thiện cấu trúc đất:: Hữu cơ giúp tăng lượng keo đất, cải thiện quá trình trao đổi cation, giúp rễ hấp thụ chất dinh dưỡng dễ dàng hơn, giảm xói mòn rửa trôi các chất dinh dưỡng trong đất.
Cách Tăng Lượng Hữu Cơ Cho Đất
- Bón phân chuồng hoai mục: Phân chuồng đã qua ủ hoai mục cung cấp nhiều dưỡng chất và cải thiện cấu trúc đất.
- Sử dụng xác bã thực vật đã được ủ hoai mục: Trả lại chất hữu cơ tự nhiên cho đất sau mỗi vụ thu hoạch.
- Bón phân xanh: Trồng và bón các loại cây phân xanh như đậu, lạc để tăng cường hữu cơ và cải thiện độ phì nhiêu của đất.
Hạn Chế Sử Dụng Phân Bón Hóa Học
Lạm dụng phân bón vô cơ, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hoá học trong thời gian dài là nguyên nhân chính gây chua đất, đất bạc màu. Do đó, để bảo vệ môi trường sống của vi sinh vật có lợi trong đất và sự phát triển tự nhiên của cây trồng, bà con nên chuyển hướng sang canh tác hữu cơ và sử dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh vật đối kháng và thiên địch thay thế các loại thuốc hóa học để bảo vệ cây trồng mùa màng một cách an toàn và bền vững.
Nuôi Dưỡng Thảm Thực Vật Che Phủ
Trồng thảm thực vật để khôi phục hệ sinh thái, tái tạo đất và bảo vệ vi sinh vật trong đất. Một số cây như lạc, đậu, thảm cỏ,... che phủ giúp bảo vệ đất khỏi xói mòn, giữ chất dinh dưỡng và cải thiện độ thông thoáng của đất. Lượng mùn hữu cơ từ nhóm này có tác dụng giúp đất tơi xốp, màu mỡ, cân bằng độ PH, giữ ẩm.
Bổ Sung Hàm Lượng Siêu Acid Humic Cho Đất Nhiễm Phèn
Sử dụng chế phẩm sinh học chứa siêu acid Humic và siêu acid Fulvic giúp đất giữ lại phân bón và ổn định độ pH.
- Cải thiện độ phì nhiêu của đất: Siêu acid Humic và Fulvic giúp tăng cường khả năng giữ nước và dinh dưỡng của đất, làm cho cây trồng dễ dàng hấp thụ hơn.
- Ổn định pH đất: Các acid này giúp cân bằng độ pH của đất, làm giảm tính axit hoặc kiềm, tạo môi trường tốt cho sự phát triển của cây.
- Tăng cường vi sinh vật có lợi: Siêu acid Humic và Fulvic hỗ trợ sự phát triển của vi sinh vật có lợi trong đất, giúp phân giải chất hữu cơ và cải thiện cấu trúc đất.
Cải tạo đất chua cần được thực hiện đúng thời điểm và tuân thủ nguyên tắc để đạt hiệu quả lâu dài. Kiểm tra đất thường định kỳ, để có biện pháp cải tạo kịp thời. Hy vọng các biện pháp trên sẽ giúp bạn cải thiện đất chua và nâng cao năng suất cây trồng.