Cây mai vàng (Ochna integerrima) là loài cây cảnh quý giá, đặc biệt được ưa chuộng vào dịp Tết Nguyên Đán. Để cây mai vàng phát triển khỏe mạnh, nở hoa đẹp và bền lâu, người trồng cần có chế độ chăm sóc mai vàng từng tháng trong năm phù hợp.

1. Tháng 2 – Tháng 3: Chăm sóc mai vàng sau khi chơi tết

Tháng 2 - tháng 3 dương lịch hàng năm là thời gian vừa qua tết, cây mai vừa kết thúc đợt ra hoa. Chăm sóc mai vàng sau Tết là một việc làm cần thiết để cây có thể phục hồi và phát triển tốt cho những mùa hoa sau. Cây mai vàng trong giai đoạn này cần chú ý giúp cây có đủ dinh dưỡng.

Chăm sóc cây mai vàng sau giai đoạn ra hoa :

  • Di chuyển cây mai ra ngoài ánh sáng nhẹ và thoáng mát để cây có đủ ánh sáng quang hợp, tránh để cây ở nơi nắng gắt dễ làm cây bị sốc nhiệt làm cháy lá.
  • Cắt tỉa cây mai: Loại bỏ cành già, cành mai thừa, cành mai quá dài, cành hoa chưa nở, cành sâu bệnh, cành mọc không đều để cây thông thoáng, tập trung dinh dưỡng cho những cành khỏe mạnh. Cắt bỏ 1/3 đến 1/2 chiều dài cành, cắt tỉa tạo hình theo dáng mong muốn dựa vào hình dáng tổng thể bên ngoài để tạo hình dáng chuẩn nhất đẹp nhất cho cây.
  • Thay chậu mới cho cây: Chuẩn bị chậu lớn hơn và đất trồng mới để phù hợp với kích thước của cây.
  • Bón phân hợp lý: Sau giai đoạn ra hoa cây đã bị suy kiệt do những chậu mai chưng Tết không được tiếp xúc với ánh nắng cây sẽ yếu hơn, một số chậu được phun thuốc kích thích để ra hoa gây ảnh hưởng đến sinh lý của cây. Trong giai đoạn này cần phục hồi cho cây, bạn cần bón phân hữu cơ hoai mục, lân và tưới humic để phục hồi bộ rễ cho cây sau đó bón thêm phân NPK có hàm lượng đạm cao để cây phát triển tán cành mới khỏe mạnh.
  • Tưới nước: Cung cấp đủ nước cho cây mai vàng, nhưng tránh để cây bị ngập úng. Đảm bảo đất có độ ẩm vừa phải, không quá khô hoặc quá ướt.
  • Phòng trừ sâu bệnh: Sau cắt tỉa cành cần phun thuốc nấm để phòng trừ nấm bệnh. Kiểm tra cây thường xuyên và phun thuốc bảo vệ thực vật nếu có dấu hiệu của sâu bệnh tấn công như rệp, sâu ăn lá, hoặc bệnh nấm. Sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm hợp lý để bảo vệ cây.

Chăm sóc mai vàng sau tết

2. Tháng 4 – Tháng 6: Giai đoạn sinh trưởng phát triển mạnh mẽ

Giai đoạn này cây mai vàng bắt đầu phát triển mạnh về thân, cành và lá. Đây là thời điểm cần chăm sóc để cây có đủ sức khỏe, chuẩn bị cho mùa hoa năm sau.

Chăm sóc cây mai vàng trong giai đoạn sinh trưởng:

  • Bón phân đạm: Trong giai đoạn này, cây cần nhiều đạm để phát triển thân và lá. Bạn có thể bón phân có hàm lượng đạm cao như NPK 30-10-10, NPK 20-15-15 để cây phát triển mạnh mẽ.
  • Tưới nước đều đặn: Đảm bảo cây mai vàng được tưới nước đầy đủ, đặc biệt trong thời gian khô hạn. Tuy nhiên, tránh để đất quá ẩm ướt, vì dễ dẫn đến thối rễ.
  • Cắt tỉa định kỳ: Cắt tỉa các cành lá không cần thiết để cây có không gian phát triển. Cắt bỏ những cành bị sâu bệnh hoặc yếu để cây có thể tập trung phát triển.
  • Phòng trừ bệnh nấm: Thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh nấm và phun thuốc trừ nấm kịp thời.

Chăm sóc mai vàng sau tết

3. Tháng 7 – Tháng 9: Giai đoạn cành, lá đã thành thục và chuẩn bị phát triển mầm hoa 

Vào thời điểm này, cây mai vàng đã phát triển tối ưu, các cành, lá đã thành thục để bắt đầu phát triển mầm hoa và bạn cần tiếp tục chăm sóc để chuẩn bị cho mùa hoa năm sau. Đây cũng là thời điểm cây cần nhiều dưỡng chất để dự trữ cho cây phát triển mầm hoa.

Chăm sóc cây mai vàng trong giai đoạn cành, lá đã thành thục và chuẩn bị phát triển mầm hoa:

  • Bón phân cân đối: Tiếp tục bón phân NPK với tỷ lệ phù hợp, có thể sử dụng phân NPK 20-20-20 để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây nuôi mầm hoa ở vụ sau..
  • Cắt tỉa cành và tạo dáng: Cắt bỏ những cành lá khô héo, tạo dáng cho cây. Việc cắt tỉa giúp cây mai vàng có dáng đẹp và khỏe mạnh hơn, tập trung dinh dưỡng nuôi nụ hoa.
  • Điều chỉnh ánh sáng: Cây mai vàng cần đủ ánh sáng để phát triển khỏe mạnh, nhưng cũng cần bảo vệ cây khỏi ánh nắng gay gắt.
  • Phòng trừ sâu bệnh: Tiến hành phun thuốc phòng bệnh nấm, sâu bọ và các loài côn trùng gây hại. Bạn có thể sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để bảo vệ cây mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của cây.

4. Tháng 10 – Tháng 11: Giai đoạn kích mầm hoa 

Vào những tháng cuối năm, cây mai vàng bắt đầu chuyển sang giai đoạn sinh sản cần kích mầm hoa . Đây là thời điểm quan trọng để giúp cây ra hoa đều và đúng dịp Tết.

Chăm sóc cây mai vàng trong giai đoạn kích mầm hoa:

  • Bón phân:   Giai đoạn này  cần bón nhiều lân cho cây để tạo mầm hoa, không nên bón phân có hàm lượng đạm cao tránh cây ra lá nhiều mà không ra mầm hoa.
  • Tưới nước điều độ: Giảm lượng nước tưới tránh tưới nước quá nhiều cây sinh trưởng phát triển mạnh sẽ ra lá mà cây ra hoa mầm hoa ít  hoặc  không ra mầm hoa. Tuy nhiên, vẫn phải giữ độ ẩm trong đất vừa phải, tránh tình trạng khô hạn.
  • Điều chỉnh ánh sáng và nhiệt độ: Đảm bảo cây mai vàng nhận đủ ánh sáng nhưng không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào quá lâu, đặc biệt là vào buổi trưa. Thực hiện che bớt ánh nắng nếu cần.
  • Kiểm tra sức khỏe cây: Kiểm tra các dấu hiệu của sâu bệnh và tiến hành phun thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật khi cần thiết.

Chăm sóc mai vàng ra nụ

5. Tháng 12 - giữa tháng 1 đầu tháng 2: Giai đoạn dưỡng nụ hoa và hoa nở

Đây là thời điểm cây mai vàng dưỡng nụ hoa, và bạn cần chăm sóc cây để nụ hoa to và đề.

Chăm sóc cây mai vàng trong giai đoạn dưỡng nụ hoa và hoa nở:

  • Tưới nước điều chỉnh: Trong giai đoạn cây ra hoa, bạn cần tưới nước nhẹ nhàng để cây không bị thiếu nước, đồng thời tránh làm cây bị úng nước. Tưới nước vào buổi sáng hoặc chiều mát.
  • Bón phân: Giai đoạn này cây đã hình thành nụ rõ ràng, cần bón thêm phân hữu cơ để dưỡng cây không mất sức khi hoa nở, tránh bón phân quá nhiều dẫn tới cháy nụ hoa. Nếu cần, bón thêm một ít phân kali để giúp cây duy trì sức sống và hoa lâu tàn. 
  • Chăm sóc hoa: Đảm bảo cây không bị sâu bệnh làm hư hại hoa. Loại bỏ các cành già, lá héo để hoa có không gian phát triển.
  • Phòng trừ sâu bệnh: Giai đoạn hoa nở cần phun phòng trừ sâu ăn hoa trước khi hoa nở.

Chăm sóc mai vàng

Chăm sóc cây mai vàng qua từng tháng là một quy trình liên tục và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Bằng cách cung cấp đủ dinh dưỡng, kiểm soát nước tưới và phòng trừ bệnh tật, cây mai vàng sẽ phát triển khỏe mạnh và cho hoa đẹp vào dịp Tết. Chúc bạn có một cây mai vàng nở hoa đẹp, mang lại may mắn và tài lộc trong năm mới!