Cây vải sớm, đặc biệt là giống vải Yên Hưng, là một loại cây ăn quả phổ biến tại Việt Nam nhờ giá trị kinh tế cao và khả năng thích nghi tốt. Để cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao, cần tuân thủ các yêu cầu về điều kiện tự nhiên cũng như kỹ thuật trồng và chăm sóc. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết:
1. Yêu cầu điều kiện tự nhiên
1.1. Nhiệt độ
- Nhiệt độ thích hợp nhất cho sinh trưởng và phát triển của cây vải sớm dao động từ 24 - 29°C.
- Trong thời kỳ phân hóa mầm hoa (tháng 11 - 12), cây yêu cầu nhiệt độ thấp hơn, từ 11 - 14°C, để kích thích quá trình ra hoa. Các giống vải chín sớm yêu cầu về nhiệt độ lạnh ít hơn so với các giống chín muộn.
1.2. Nước và độ ẩm
- Tổng lượng mưa hàng năm cần thiết cho vùng trồng vải là 1500 - 1800 mm.
- Các giai đoạn cây cần nhiều nước nhất là khi ra hoa và quả phát triển.
- Độ ẩm không khí phù hợp cho sinh trưởng là 75 - 85%, còn trong giai đoạn phân hóa mầm hoa là 65 - 70%, cây chịu hạn được nhưng chịu úng kém.
1.3. Đất đai
- Cây vải Yên Hưng có thể trồng trên nhiều loại đất và địa hình khác nhau, nhưng thích hợp nhất là đất giàu mùn, địa hình hơi dốc, độ pH từ 5,5 - 6,5.
- Đất cần thoát nước tốt để tránh ngập úng.
1.4. Các yếu tố khác
- Vải là cây giao phấn vì vậy vùng trồng cần có gió để hỗ trợ hoa thụ phấn nhưng cần tránh những nơi có gió khô nóng, ít chịu ảnh hưởng của gió Lào và bão, đặc biệt trong thời kỳ cây ra hoa và mang quả dễ làm rụng hoa, rụng quả, gãy cành.
1.5 Thời gian ra hoa đậu quả của giống vải sớm
- Thời kỳ phân hóa mầm hoa từ tháng 11-12, ra hoa tháng 1, đậu quả cuối tháng 2 và thu hoạch vào đầu tháng 5.
2. Thiết kế vườn trồng phù hợp với giống vải sớm
- Đất dốc < 10°: Trồng cây theo đường đồng mức.
- Đất dốc > 10°: Tạo các bậc thang theo đường đồng mức có độ rộng 3 - 4 m để trồng cây.
- Những vùng đất trũng cần đắp mô hoặc đào mương lên líếp.
- Khoảng cách trồng: 5 x 5 m (tương đương 400 cây/ha).
- Kích thước hố: 0,8 x 0,8 x 0,8 m.
- Phân bón lót mỗi hố:
- 50 kg phân chuồng hoai mục.
- 0,7 kg supe lân.
- 0,2 kg kaliclorua.
- Nếu đất chua (pH < 5), bổ sung 0,5 - 1kg vôi bột.
- Công việc chuẩn bị hố cần hoàn thành ít nhất 1 tháng trước khi trồng.
3. Kỹ thuật trồng cây vải sớm
3.1. Thời vụ trồng
- Thời điểm thích hợp nhất là:
- Vụ xuân: Tháng 2 - 4.
- Vụ thu: Tháng 8 - 10.
3.2. Tiêu chuẩn cây giống
- Cây giống đạt tiêu chuẩn:
- Đường kính gốc ghép > 1,2 cm.
- Chiều cao gốc ghép tính từ mặt bầu ≥ 60cm
- Đường kính cành ghép ≥ 0,5cm
- Chiều dài cành ghép > 30 cm.
- Cành ghép và gốc ghép không nhiễm sâu bệnh hại.
3.3. Trồng, tưới nước và giữ ẩm sau trồng
- Đặt cây: Khơi lỗ nhỏ giữa hố, xé túi bầu, đặt bầu cây vào và lấp đất nhỏ, chèn chặt xung quanh bầu cây. Cắm cọc chéo, buộc dây mềm để cố định cây.
- Tưới nước: Tưới đẫm ngay sau khi trồng, sau đó tưới giữ ẩm 2 - 3 ngày/lần.
- Tủ gốc: Dùng rơm, rạ hoặc cỏ khô phủ dày 7 - 10 cm, cách gốc 5 - 10 cm.
4. Kỹ thuật chăm sóc và quản lý vườn vải sớm
4.1. Giai đoạn kiến thiết cơ bản
- Làm cỏ, tưới nước: Thực hiện thường xuyên, đặc biệt sau các đợt bón phân.
- Trồng xen: Trồng cây họ đậu cách gốc vải 0,5 - 0,8 m để cải tạo đất.
- Bón phân:
- Lượng phân bón theo tuổi cây (Bảng 1):
Tuổi cây |
Phân chuồng (kg/cây) |
Đạm Urê (g/cây) |
Lân Supe (g/cây) |
Kaliclorua (g/cây) |
1 năm |
- |
100 |
300 |
100 |
2 năm |
20 - 30 |
150 |
450 |
150 |
3 năm |
30 - 50 |
250 |
700 |
250 |
- Thời kỳ bón: Bón thúc 4 đợt vào các tháng 2, 5, 8 và 11.
- Cách bón: Hòa phân vô cơ vào nước (nồng độ 0,3 - 0,5%) để tưới, hoặc rắc đều quanh gốc theo hình chiếu tán cây khi đất ẩm. Đối với phân hữu cơ nên bón 1 lần vào cuối năm bằng cách rạch rãnh quanh hình chiếu tán để bón hoặc bón xung quanh mô cây rồi bồi thêm đất lên mô để lấp phân..
- Cắt tỉa, tạo khung tán:
- Đối với cây ghép: Bấm ngọn khi cây cao 0.8-1 m để định hình cành cấp 1 hoặc cấp 2. Khi cành cấp 1 hoặc cấp 2 sinh trưởng được 50-70 cm tiếp tục bấm ngọn để tạo các cành cấp 2 hoặc cấp 3.
- Đối với cây chiết: Chọn để 2-3 cành cấp 1 phân bố đều về các hướng. Khi cành cấp 1 dài 50-70cm tiến hành bấm ngọn để tạo cấp cành tiếp theo như cay ghép.
- Tỉa bỏ cành vượt trong tán hoặc cành quá dày.
4.2. Giai đoạn kinh doanh
- Tưới nước:
- Tưới đủ ẩm vào các giai đoạn chuẩn bị ra hoa, nở hoa và quả phát triển.
- Từ giữa tháng 10 đến khi hoa xuất hiện, chỉ tưới khi đất quá khô.
- Bón phân: Lượng phân bón theo tuổi cây trong bảng dưới đây
Tuổi cây |
Phân chuồng (kg/cây) |
Đạm Urê (kg/cây) |
Lân Supe (kg/cây) |
Kaliclorua (kg/cây) |
4 - 6 |
50 |
0,60 |
1,00 |
0,80 |
7 - 9 |
50 |
1,20 |
1,30 |
1,40 |
10 - 12 |
60 |
1,80 |
2,50 |
2,00 |
13 - 15 |
60 |
2,20 |
2,80 |
2,60 |
> 15 |
70 |
2,20 |
3,00 |
3,00 |
- Có thể thay thế phân chuồng bằng phân hữu cơ vi sinh, với lượng quy đổi 1kg phân hữu cơ vi sinh thay thế bằng 10-15kg phân chuồng.
- Thời kỳ bón:
- Thúc hoa (12 - 15/1): 25% đạm, 25% kali, 30% lân.
- Thúc quả (25 - 30/3): Sau đậu trái 7-10 ngày bón 25% đạm, 30% kali, 30% lân.
- Tích lũy vật chất trong quả: Trước thu hoạch 1 tháng bón 20% kali.
- Sau thu quả (20 - 25/5): 50% đạm, 25% kali, 40% lân và toàn bộ phân hữu cơ.
- Cách bón: Rải phân theo hình chiếu tán khi đất ẩm, hoặc tưới thêm nước nếu đất khô.
- Cắt tỉa:
- Sau thu hoạch : Sau thu hoạch 10 ngày tiến hành cắt tỉa thưa đầu cành loại bỏ 70-80% bộ lá cũ, tỉa bỏ cành trong tán, cành tăm, cành sâu bệnh, cành chen chúc và cành trên đỉnh tán.
- Trước ra hoa (10 - 15/11): Tỉa thưa cành ngoài tán, giữ 2 - 3 nhánh khỏe trên mỗi đầu cành.
4.3. Các biện pháp tăng ra hoa, đậu quả
- Sử dụng chất điều hòa sinh trưởng :
- Tăng ra hoa đậu quả: Phun Atonik hoặc kích phát tố
- Khống chế lộc đông: Phun Ethrel 1000 - 1500 ppm vào cuối tháng 12, đầu tháng 1.
- Biện pháp cơ giới:
- Khoanh vỏ: Khoanh cành có đường kính > 5 cm vào cuối tháng 11, đầu tháng 12, vết khoanh rộng 0,4 - 0,5 cm.
- Cuốc đứt rễ: Đào rãnh sâu 30 - 40 cm quanh mép tán, cắt rễ và phơi nắng 30 - 40 ngày.
Cách chăm sóc cây vải sớm đúng kỹ thuật, từ yêu cầu điều kiện tự nhiên đến kỹ thuật trồng và quản lý vườn giúp bà con nông dân nâng cao năng suất vườn vải, cây vải phát triển bền vững kéo dài thời gian khai thác, tăng hiệu quả kinh tế với giống vải sớm.