Đậu xanh là một loại cây họ đậu dễ trồng, có thời gian sinh trưởng ngắn và mang lại giá trị kinh tế cao. Để trồng đậu xanh đạt năng suất cao bà con hay thực hiện kỹ thuật trồng cây đậu xanh như sau.

1. Điều kiện canh tác cây đậu xanh

  • Khí hậu: Đậu xanh thích hợp với khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhiệt độ lý tưởng từ 25°C đến 32°C.
  • Ánh sáng: Đậu xanh là cây ngắn ngày, đặc tính giống thích nghi với chế độ chiếu sáng thay đổi nên hình thành khả năng thích nghi rộng hơn với độ dài ngày.
  • Độ ẩm: Đậu xanh cần độ ẩm vừa phải khoảng 80%, không chịu được ngập úng hoặc khô hạn kéo dài. Thời kỳ cây con độ ẩm phải nhỏ hơn 60% và thời kỳ ra hoa không để độ ẩm nhỏ hơn 80%.
  • Đất: Đậu xanh trồng được trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp nhất là loại đất thịt nhẹ, đất phù sa, đất giàu dinh dưỡng, có hàm lượng hữu cơ cao, tơi xốp, chủ động được tưới tiêu, đủ ẩm, độ pH từ 5,5 - 6,5. Đậu xanh rất thích hợp luân canh trên đất đã canh tác lúa, tuy nhiên không nên trồng đậu xanh trên những chân đất thấp, dễ bị ngập úng, nhiễm phèn, nhiễm mặn, đất có độ pH thấp dưới 5.

Đặc điểm của cây đậu xanh

2. Thời vụ trồng đậu xanh:

Thời vụ trồng đậu xanh có sự khác biệt theo từng vùng miền ở Việt Nam:

Thời vụ trồng đậu xanh ở Miền Bắc:

Vụ xuân: Gieo từ 5 đến 25 tháng 3.

Vụ hè: Gieo vào khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 (xung quanh ngày 5/5 âm lịch).

Thời vụ trồng đậu xanh ở miền Bắc

Miền Trung:

Vụ đông xuân: Gieo từ 20/12 đến 10/1.

Vụ hè thu: Gieo từ 10/5 đến 20/5.

Miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên:

Vụ mùa mưa: Gieo từ 1 đến 20/5.

Vụ đông xuân: Gieo từ 15/11 đến 10/12.

3. Cách chọn giống

  • Giống chất lượng: Chọn hạt giống đậu xanh có nguồn gốc rõ ràng, tỷ lệ nảy mầm cao, không bị sâu bệnh kháng bệnh tốt.
  • Hiện nay có một số giống đậu xanh phổ biến cho năng suất cao, chống chịu tốt như: ĐX208; VC-6397; ĐX14; TX05...

4. Kỹ thuật trồng cây đậu xanh

4.1 Kỹ thuật làm đất trồng đậu xanh

Làm đất:

Đất cần được cày bừa kỹ, làm tơi xốp, bằng phẳng, sạch cỏ dại, dọn sạch hết tàn dư cây trồng vụ trước. Đối với các chân phù sa, đất bãi, có thể cày bừa một lần rồi gieo ngay để tranh thủ độ ẩm trong đất. Đối với các loại đất thịt cần cày bừa kỹ, số lần cày bừa nhiều hơn so với đất bãi, đất phù sa. Đối với các chân đất thịt và đất pha cát cần được cày sâu 25 - 30cm. Trên các chân đất phù sa, đất bãi, do đất đã có độ tơi xốp tự nhiên nên chỉ cần cày sâu khoảng 15 - 20cm.

Trồng đậu xanh đúng kỹ thuật

Lên luống: Đối với điều kiện đất phù sa, đất cát pha có thể lên luống thành từng băng rộng 5 - 7m, dài 15 - 20m. Đối với các loại đất thịt khó thoát nước, cần lên luống với tỷ lệ rãnh lớn. Thường luống rộng 1 - 1,5m và dài 10 - 15m, rãnh rộng 30 - 40cm, sâu 25cm.

4.2 Kỹ thuật gieo hạt

  • Xử lý hạt giống: Trước khi gieo nên phơi hạt ở nắng nhẹ để kích thích hạt nảy mầm đều. Lượng giống cần cho 1 ha, gieo theo hàng từ 20 - 25 kg. 
  • Khoảng cách gieo:
    • Hàng cách hàng: 40-50 cm.
    • Cây cách cây: 15-20 cm.
  • Gieo hạt: Gieo 2-3 hạt trên hốc. Gieo hạt sâu khoảng 2-3 cm, lấp đất nhẹ và tưới nước giữ ẩm.

4.3 Dặm, Tỉa cây con

  • Sau khi mọc từ 3 - 5 ngày cần phải dặm sớm những hạt ở những hốc không có cây mọc để đảm bảo mật độ
  • Sau khi cây mọc được 10-12 ngày, tiến hành tỉa bỏ những cây con yếu, sâu bệnh, chỉ giữ lại những cây khỏe mạnh.

Cách gieo trồng đậu xanh

5. Hướng dẫn chăm sóc cây đậu xanh

Tưới nước

  • Giai đoạn đầu: Tưới nước đều đặn để giữ ẩm cho đất, đặc biệt là trong giai đoạn cây con.
  • Giai đoạn ra hoa và quả: Tăng lượng nước tưới, nhưng tránh tưới quá nhiều gây ngập úng.

Làm cỏ và vun gốc

  • Thường xuyên làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với cây đậu xanh. Nên làm cỏ 2 lần 10-12 ngày sau cây mọc và 20-25 ngày sau cây mọc, cần làm cỏ trước khi cây ra hoa 28-32 ngày sau mọc để tránh gây rụng hoa, giảm tỷ lệ đậu trái và tổn thương cây.
  • Vun gốc khi cây cao khoảng 15-20 cm để giúp cây đứng vững và phát triển rễ tốt hơn.

6. Tiêu chuẩn trong bón phân cho cây đậu xanh

Bón lót

  • Trước khi gieo hạt, bón lót phân hữu cơ hoai mục 10-15 tấn/ha (nếu có) kết hợp với phân lân (200-300 kg/ha).

Bón thúc

  • Lần 1: Khi cây có 2-3 lá thật, bón phân đạm (50-70kg/ha) và kali (30-50kg/ha).
  • Lần 2: Khi cây bắt đầu ra hoa, bón thêm phân đạm (30-50kg/ha) và kali (20-30kg/ha).

Kỹ thuật trồng đậu xanh

7. Phòng trừ sâu bệnh thường gặp

Sâu hại

  • Sâu đục quả: Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học có thành phần vi sinh  Bacillus thuringiensis, Beauveria spp., Metarhizium spp hoặc thuốc hóa học phun định kỳ.
  • Rầy xanh: Phun thuốc trừ rầy sinh học có nguồn gốc từ tinh dầu, giấm gỗ, vi sinh hoặc các loại thuốc hóa học có các hoạt chất như Imidacloprid, Thiamethoxam.

Bệnh hại

  • Bệnh đốm lá: Phun thuốc trừ nấm sinh học hoặc các loại thuốc hóa học có hoạt chất như Mancozeb, Carbendazim.
  • Bệnh lở cổ  rễ: Đảm bảo đất thoát nước tốt, xử lý đất bằng vôi bột trước khi trồng. Giai đoạn cây con để phòng bệnh tốt có thể dùng thuốc trừ nấm bệnh sinh hoặc hóa học phun định kỳ.

Biện pháp phòng ngừa

  • Luân canh cây trồng để tránh tích tụ mầm bệnh trong đất.
  • Vệ sinh đồng ruộng, tiêu hủy tàn dư cây bệnh.

8. Thu hoạch

  • Thời điểm thu hoạch: Khoảng 50-60 ngày sau khi gieo, khi quả chuyển sang màu vàng hoặc nâu.
  • Cách thu hoạch: Thời gian ra hoa đậu xanh kéo dài và không có đọt hoa rộ rõ rệt nên phải thu nhiều lần. Khi thu hoạch hái quả chín chuyển màu nâu, sau khi thu về đem phơi nắng 3-4 ngày đập à tách lấy hạt.

Thu hoạch đậu xanh

Đậu xanh là cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc sẽ giúp bạn đạt năng suất tối ưu. Chúc bạn thành công!