Sau 1 vụ thu hoạch, cây tiêu đã mất sức do tốn nhiều năng lượng và chất dinh dưỡng để nuôi trái, mỗi mắt trái, mắt lá. Sau khi thu hái cây có vết thương hở dễ làm tiêu bị nhiễm bệnh. Việc cung cấp một lượng dinh dưỡng lớn để phục hồi cây tiêu sau thu hoạch là rất quan trọng, để đảm bảo cây phục hồi tốt, chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách chăm sóc cây tiêu sau khi thu hoạch.
1. Sửa Hệ Thống Rãnh Thoát Nước
Cây tiêu không chịu được nước đọng, do vậy sửa lại hệ thống rãnh thoát nước tốt, đặc biệt ở những vườn tiêu trồng trên đất bằng phẳng hoặc đất có độ dốc thấp.
Hệ thống mương thoát nước chính:
- Đào xung quanh vườn tiêu để ngăn nước từ nơi khác chảy vào và thu nước từ hệ thống mương nhỏ. Mương thoát nước chính thường được đào sâu 50-60 cm, rộng 40-50 cm. Có thể tạo hố tự thấm nước quanh gốc tiêu.
Hệ thống mương phụ:
- Đào sâu 30-40 cm, rộng 20-25 cm, vuông góc với hướng nước chảy để chống xói mòn và hạn chế tốc độ dòng chảy. Hệ thống mương phụ giúp tiêu thoát nước trong vườn ra mương chính.
- Đối với đất bằng: cách 2 hàng tiêu đào 1 mương phụ.
- Đối với đất dốc: cách 4-5 hàng tiêu đào 1 mương phụ.
2. Kỹ thuật tỉa cành, rửa vườn
Cắt tỉa cành và tạo dáng cho cây tiêu sau thu hoạch là một bước quan trọng để đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao trong mùa vụ tới.
- Dùng dây nilon cột dây tiêu vào cây trụ để dây tiêu bám vào đó phát triển, chú ý không cột quá chặt làm gẫy, dập dây tiêu.
- Cắt tỉa các cành dây lươn, dây phụ để cây tập trung dinh dưỡng nuôi cành quả.
- Bên cạnh đó, bà con phải tỉa bỏ và đem tiêu hủy các cành bị sâu bệnh gây hại, cắt bớt các cành yếu, cành mọc sát gốc để tạo độ thông thoáng cho cây, hạn chế sự tấn công của sâu bệnh hại vào mùa mưa.
- Ở những vườn tiêu sử dụng trụ sống, cần phải tỉa cành cây trụ hàng năm để tạo độ thông thoáng và hạn chế mưa gió làm gãy cây trụ, ảnh hưởng đến cây tiêu.
- Sau khi cắt tỉa xong, dùng nước sạch rửa vườn sạch sẽ, xịt toàn bộ thân và lá cây [1],[2].
3 . Xới Lớp Đất Mặt và Bón Phân
Sau thu hoạch, cây tiêu cần một lượng chất dinh dưỡng lớn để phục hồi và phát triển. Bón phân và xới xáo cải tạo đất trồng tiêu là cần thiết để tiêu diệt các sâu bệnh tồn dư trong đất, bổ sung dinh dưỡng, tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển.
- Bón vôi: Vườn sau thu hoạch cần bón vôi để khử khuẩn, rửa toàn vườn.
- Phân hữu cơ:
Các loại phân hữu cơ phổ biến dùng bón cho cây tiêu như: Phân chuồng, phân xanh đã được xử lý ủ hoai mục, phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh,...
Lượng phân bón hữu cơ cho cây sẽ phụ thuộc vào loại phân, đối với phân chuồng, phân xanh hoai mục bón 15-20kg/ gốc, còn đối với phân hữu vi sinh hoặc phân hữu cơ sinh học bón 3-5kg/ gốc.
Phương pháp bón: Đào rãnh theo mép tán, sâu 10-15 cm và lấp lại, trong quá trình đào rãnh chú ý hạn chế làm tổn thương bộ rễ.
Ngoài ra bà con nên sử dụng sản phẩm BS21 - Humic vi sinh để bón cho cây hồ tiêu vào giai đoạn này nhằm phục hồi, kích thích sự phát triển của hệ rễ giúp cây hấp thụ phân bón tốt hơn, cải tạo đất, kích thích hệ vi sinh vật phát triển mạnh hạn chế nấm bệnh cho cây. Có thể trộn với phân hữu cơ hoặc bón trực tiếp cho cây.
- Phân vô cơ
Phân vô cơ là các loại muối khoáng có chứa các chất dinh dưỡng cung cấp các chất đa, trung, vi lượng cho cây trồng. Hiện nay có nhiều loại phân vô cơ thường dùng cho hồ tiêu có thể dùng phân đơn hoặc phân tổng hợp NPK nên cần chuyển đổi theo nguyên chất để hàm lượng các loại phân bón không quá thấp hoặc quá cao so với hướng dẫn.
- Lượng phân bón
Lượng phân bón nguyên chất cần thiết cho cây tiêu năm thứ 4 trở lên tính cho 1 ha/ năm:
+ N: 250 - 350 kg
+ P2O5: 150 - 200 kg
+ K2O: 150 - 250 kg
- Cách bón:
Chia làm 4 lần bón
+ Lần 1: 1/4 đạm + 1/4 kali và toàn bộ phân lân (Bón sau thu hoạch hoặc trước khi kết thúc thu hoạch 10 ngày)
+ Lần 2: 1/4 đạm + 1/4 kali, bón vào đầu mùa mưa
+ Lần 3: 1/4 đạm + 1/4 kali, bón vào giữa mùa mưa
+ Lần 4: Lượng phân còn lại bón vào cuối mùa mưa
- Phương pháp bón:
Bón phân khi đất đủ ẩm, cào lá, xác bã thực vật, rải lên mặt đất theo mép tán, xăm xới nhẹ, lấp phân vào đất. Dùng rơm rạ, cỏ khô để tủ lại giữ ẩm cho đất.
4. Phòng Trừ Bệnh Hại
Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây hồ tiêu sau thu hoạch là một bước quan trọng để bảo vệ cây trồng khỏi các loại bệnh hại và sâu hại thường gặp có thể ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của cây hồ tiêu.
- Sau thu hoạch, chuẩn bị mùa mưa với nhiều loại bệnh gây hại hồ tiêu. Thăm vườn thường xuyên để phát hiện và phòng trị sâu bệnh hại như: chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, thán thư, rệp, bọ xít.
- Khi mưa tới, tưới vào gốc sản phẩm trichoderma chứa nhiều nấm đối kháng tiêu diệt nấm bệnh, phòng bệnh do nấm rất hiệu quả. Tưới kết hợp BS08 Tigon thợ săn tuyến trùng để trừ các bệnh do tuyến trùng rễ.
- Kiểm tra hệ thống thoát nước tốt vào mùa mưa, tránh nước đọng ở gốc hồ tiêu. Làm sạch cỏ dại trong vườn. Tránh làm đứt rễ khi bón phân, tránh gây vết thương cho thân ngầm và rễ hồ tiêu.
- Trồng xen cây vạn thọ, hoa cúc để ngăn ngừa sâu bệnh.
Chăm sóc cây hồ tiêu sau thu hoạch giúp cây phục hồi nhanh chóng, sẵn sàng cho mùa vụ mới. Hy vọng với những hướng dẫn chi tiết trên, bà con nông dân sẽ có được vườn hồ tiêu xanh tốt, năng suất cao và chất lượng. Chúc bạn thành công trong việc trồng và chăm sóc cây hồ tiêu!
Tài liệu tham khảo
[1] Phan Vui (2021), Cách chăm sóc và bón phân cho cây hồ tiêu giai đoạn nuôi trái.
[2] Trần Thị Thúy và Lê Tú (2021), Chăm sóc cây hồ tiêu sau thu hoạch, Trung tâm Khuyến Nông, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị.