Hoa đào là loài hoa đặc trưng ở Miền Bắc mỗi dịp tết đến. Cách trồng đào vào trong chậu chơi tết luôn được nhiều người quan tâm. Làm sao để trồng đào trong chậu không bị chết, phát triển tốt? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Trồng cây đào từ vườn vào trong chậu

Để trồng cây vào trong chậu, tránh cây bị sốc đột ngột, chúng ta nên đánh chặn làm bầu trước. Việc làm bầu cho cây cần sử dụng dụng cụ sắc bén, được khử khuẩn để hạn chế việc làm tổn thương rễ cây cũng như lây nhiễm nấm bệnh.

Đánh chặn làm bầu /Đảo cây đào.

Thời gian thích hợp đảo cây:

Giống Đào Bích: Đảo cây vào khoảng 1/8 âm lịch hàng năm.

Giống Đào Phai: Đảo cây khoảng 20/7 âm lịch.

Giống Đào Thất Thốn: Đảo cây khoảng 1/7 âm lịch.

Cách đảo cây:

Đào một bầu cách gốc 20-25 cm, sâu 20-25 cm (tùy theo kích cỡ của cây), tránh làm vỡ bầu. Chọn ngày trời nắng để đảo cây vào buổi sáng. Khi đảo cây có thể bứng cây vào chậu luôn hoặc chuyển cây sang hố khác, lấp đất chặt gốc.

cach-trong-dao-trong-chau

Bứng cây đào trồng vào trong chậu

Kỹ thuật bứng cây đào vào trong chậu quan trọng nhất là không làm vỡ bầu đất. Lưu ý với đào thế nên đánh cây vào trồng trong chậu trước khi tuốt lá 1-2 tháng.

Chuẩn bị dụng cụ, vật liệu trồng đào trong chậu

Để thực hiện trồng đào trong chậu chơi Tết, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và vật liệu sau:

Chậu trồng: Chậu trồng đào cần có kích thước phù hợp với kích thước của cây đào. Chậu trồng quá nhỏ sẽ khiến cây đào không đủ không gian phát triển. Chậu trồng cần có lỗ thoát nước để tránh tình trạng ngập úng. 

Đất trồng: Đất trồng đào cần là đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng. Trộn đất với phân hoại mục tỉ lệ 1:1. (Có thể trộn thêm cát cho dễ thoát nước)

Dụng cụ trồng:

Kéo cắt tỉa

Chậu tưới

Xẻng nhỏ

Bạn có thể mua các dụng cụ trồng này ở các cửa hàng bán cây cảnh

Tiến hành trồng đào trong chậu:

Cho 1 lớp đất dày khoảng 5cm trước vào trong chậu. Sau đó đặt cây vào trong và tiến hành lấp đất, đảm bảo toàn bộ rễ cây ngập trong đất. Nén đất xung quanh gốc cây để cây có thể đứng vững. Tưới nước nhẹ nhàng cho cây đến khi nước chảy ra khỏi lỗ thoát nước.

cach-trong-dao-trong-chau

Một số lưu ý khi trồng đào trong chậu:

Bạn nên đặt cây đào ở nơi có ánh sáng mặt trời đầy đủ để cây phát triển tốt và ra hoa nhiều. Nếu vị trí đặt có nắng quá gắt, nên dùng lưới che nắng cho cây. Cũng nên tránh đặt cây đào ở nơi có gió lốc hoặc mưa to. Trong giai đoạn đầu không nên di chuyển cây để cây ổn định và phát triển bộ rễ mới. Bên cạnh đó hãy theo dõi tình trạng và phòng trừ sâu bệnh cho cây đào của bạn.

2. Thay đất, trồng lại cây trong chậu

Cây trồng trong chậu một thời gian, cần thay đất, chậu phù hợp với kích cỡ của cây để tạo môi trường thuận lợi phát triển bộ rễ khoẻ mạnh, cây xanh tốt.

Bứng cây ra khỏi chậu cũ

Cần khéo léo để bứng cây ra khỏi chậu cũ tránh làm ảnh hưởng đến bộ rễ cây. Để dễ dàng bứng cây lên, hãy tưới nước nhẹ nhàng cho đất hơi ẩm. Sau đó, nghiêng chậu, xoay các phía để đất tách dần khỏi thành chậu. Khi bầu đất đã rời ra, chỉ cần đổ nhẹ hoặc dùng tay nhấc nhẹ lên.

Lưu ý: Tránh việc lay gốc, đào xới quanh gốc hay cầm gốc nhổ bật lên khiến bộ cây bị đứt , cây yếu, chết.

Không nên dùng que nhọn để cào bớt đất trong bầu cây ra, vì như vậy có thể khiến cho rễ bên trong bị tổn thương tạo cơ hội cho nấm bệnh xâm nhập gây hại cây 

Bà con sử dụng dao sắc, tiệt trùng để gọt bớt rễ xung quanh bầu, cắt gọn dứt khoát không làm dập rễ. Sau khi cắt gọt bớt rễ cần tưới thuốc nấm nhằm phòng nấm bệnh gây hại. 

Trồng lại cây vào chậu

Tiến hành tương tự lúc trồng cây từ vườn vào chậu đã nhắc đến ở trên.

3. Cách chăm sóc cây đào trồng trong chậu nở hoa đúng dịp Tết

Tưới Nước

Tần suất: Tưới nước đều đặn, đảm bảo đất luôn ẩm nhưng không bị úng nước. Tần suất tưới có thể thay đổi tùy thuộc vào thời tiết và kích thước chậu. Từ tháng 10 trở đi hạn chế tưới nước nếu trời nóng tưới nước mát giảm nhiệt độ cho cây, nếu trời lạnh tiến hành tưới nước ấm để kích thích cây ra hoa đúng dịp Tết.

Cách tưới: Tưới nước vào gốc cây, tránh tưới lên hoa và lá. Sử dụng bình tưới có vòi hoa sen để tưới nhẹ nhàng.

Thời gian tưới: Tưới nước vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để cây có đủ thời gian hấp thụ nước trước khi trời nắng gắt.

Bón Phân

Phân hữu cơ:

  • Bón phân hữu cơ định kỳ, khoảng 2-3 tháng một lần, để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây. Phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh là lựa chọn tốt.

cach0trong-dao-trong-chau

Phân vô cơ:

Cây đào có yêu cầu cao về chất dinh dưỡng, cần hàm lượng đạm nhiều hơn các loại cây khác. Phân bón NPK cần phải được bón thường xuyên nên bón mỗi tháng 1 lần để cây có dinh dưỡng phát triển bộ tán nhanh. Lượng phân bón khoảng 120-150kg/ 1000m2/ năm.

Lưu ý: Từ tháng 10 trở đi không bón bất kỳ 1 loại phân nào cho cây.

Phân bón lá:

  • Có thể phun phân bón lá chứa các vi lượng và đa lượng như NPK để thúc đẩy quá trình sinh trưởng và ra hoa.



4. Các biện pháp xử lý đào ra hoa

Tuốt lá đào:

Thời gian tuốt lá đào bích từ 5 - 20/11 âm lịch, đào phai từ 01- 15/10 âm lịch tùy vào thời tiết từng năm. Thời gian tuốt lá còn phụ thuộc vào sức sinh trưởng của từng cây, nếu cây già yếu thì tuốt lá muộn hơn những cây to khỏe. Khi tuốt lá cần phải bảo vệ mắt hoa ở cuối nách lá. Nên bứt từng lá, không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống, sẽ làm tổn thương đến mầm hoa.

Tuốt hết lá bằng tay hoặc có thể phun thuốc hóa học ướt đều 2 bề mặt lá sau 7-10 ngày lá rụng hết. Việc tuốt lá đào giúp cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Năm nào thời tiết nóng thì tuốt lá muộn hơn 2- 5 ngày, ngược lại thời tiết rét nhiều thì cần tuốt lá sớm hơn.

Khi tuốt lá đào xong gặp thời tiết nắng nóng cần làm giàn che và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán cây, phun phân ure pha nồng độ 1% lên thân lá hoặc tưới để hãm cho đào không ra hoa sớm. Phun phân bón lá Đầu Trâu 701 để  kích thích đào ra nụ, ra hoa, hoa to, cánh dày, màu đẹp.

Khoanh vỏ cây đào:

Các giống khác nhau sẽ có thời điểm khoanh vỏ khác nhau: Đào Bích là khoảng 15/8 (âm lịch), đào Phai là 5/8, đào Thất Thốn là 1/7. Chọn vị trí thân cây cách gốc 20 - 40cm, dùng dao sắc khoanh tròn thân cây, sâu tới phần gỗ của cây. Cần khoanh vỏ vào buổi sáng ngày không mưa. Động tác khoanh vỏ chỉ thành công khi sau 1 ngày thấy nhựa cây đùn ra vết khoanh, và sau 2 - 3 đến một tuần, lá đào hơi chuyển màu từ xanh đậm sang xanh nhạt và hơi rủ xuống là được.

Nhiệt độ:

Nếu gặp thời tiết rét đậm kéo dài cần thắp điện sưởi ấm cho cây đào và thúc thời gian ra hoa cho đào bằng cách tưới phân đạm Sunfat nitrat hay ure và tưới nước nóng 35- 40 độ.

Trường hợp nếu thời tiết nắng nóng cần hãm thời gian ra hoa cho đào thì dùng phương pháp che ánh nắng tạo bóng tối cho cây kèm theo phun phân Ure nồng độ 1% lên thân lá và tưới nước lạnh vào gốc.

Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn bứng cây đào vào chậu thành công và cây sẽ phát triển tốt, ra nhiều hoa!